Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.

 
Như Phúc Thứ Tư | 12/06/2019 21:19

Người Thái tìm cách nâng cao hiệu quả của Nhựa Bình Minh

Hơn 1 năm sau khi về tay người Thái, Nhựa Bình Minh đang thực hiện nhiều chính sách để cải thiện hiệu quả của công ty.

Vào tháng 5/2018, Nawaplastic, một công ty con thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan đã chính thức sở hữu cổ phần đa số của CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP). Khi ấy, phía SCG cho biết sẽ dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ tích cực cho Nhựa Bình Minh.

Sau hơn một năm, người Thái đang bắt đầu thực hiện lời hứa của mình. Theo kết quả kinh doanh sơ bộ, trong 4 tháng đầu năm 2019, BMP tiêu thụ 31.700 tấn sản phẩm và ghi nhận 1.323 tỷ đồng doanh thu. Đó là về mặt kết quả, với hoạt động kinh doanh, BMP đang thay đổi chính sách bán sỉ để cải thiện hiệu quả chung trong khi chi nhánh phía Bắc đang mở rộng thị trường theo hướng mới. Thứ nhất, BMP nâng chỉ tiêu doanh số để giảm số lượng đại lý cấp 1. Thứ hai, BMP ngừng chính sách giảm giá theo vùng và chuyển sang cung cấp tỷ lệ chiết khấu cố định. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS) nhận định rằng hai sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ loại bỏ gian lận chi phí vận chuyển và cho phép các nhà phân phối linh hoạt về vùng tiêu thụ của họ.

Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc, Nhựa Bình Minh đang phải cạnh tranh với nhiều nhãn hàng đã phổ biến đối với người tiêu dùng. Do đó, nhằm mục đích giành thị phần tại khu vực phía Bắc, Bình Minh có kế hoạch tập trung vào các dự án dân dụng và công nghiệp thay vì đẩy mạnh bán lẻ. VDSC cho rằng điều này đồng nghĩa với việc BMP sẽ phải đưa ra mức chiết khấu cao hơn so với bán lẻ và có thể chịu chi phí bán hàng cao hơn. Cải thiện hiệu quả là một trong những mục tiêu chính mà công ty mẹ (Nawaplastic) đặt ra cho ban điều hành của BMP.

Theo đó, doanh nghiệp có kế hoạch giải ngân 200 tỷ đồng Capex (chi tiêu cho tài sản cố định) trong năm 2019, một phần lớn trong đó sẽ được đầu tư vào tự động hóa và hệ thống lưu kho mới. Những cải tiến này kỳ vọng sẽ nâng cao năng suất và hiệu quả vận hành của BMP trong dài hạn. Ngoài ra, BMP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả bao gồm tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (High Value-Added), kho dữ liệu (Data Warehouse) và các nguyên tắc LEAN khác. Theo đó, BMP hướng tới chuẩn hoá hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn quản lý của tập đoàn mẹ.

► Bập bềnh cổ phiếu nhựa

►  Nhựa mạnh tay M&A để cạnh tranh với người Thái

VDSC ước tính lợi nhuận ròng 4 tháng 2019 của BMP vào khoảng 130 tỷ đồng và cho rằng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đang được giữ ổn định ở mức 23%, tương đương với QI/2019 nhờ giá nguyên liệu. Giá hạt nhựa PVC ở mức trung bình 964 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2019, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần cải thiện biên gộp QI/2019 của BMP từ mức đáy trong QIV/2018. VDSC kỳ vọng giá PVC hiện tại có thể ổn định đến hết quý, giữ cho biên gộp của Công ty trên mức 20% trong những tháng tới.

Nhận định của CTCK mà NCĐT trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo.