Người Thái đã mua lại Cáp điện Thịnh Phát. Ảnh: Quý Hoà

 
Nguyễn Sơn Thứ Hai | 11/05/2020 14:00

Người Thái âm thầm săn tài sản tại Việt Nam

Các nhà đầu tư Thái Lan đang triển khai hàng loạt thương vụ đầu tư quy mô lớn tại thị trường Việt Nam.

Khủng hoảng COVID-19 không làm chùn bước giới đầu tư Thái Lan trong chiến dịch thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực thiết yếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hậu đại dịch như ngành hàng bao bì, điện tử, bán lẻ, năng lượng sạch thông qua hàng loạt thương vụ M&A đáng chú ý.

Mới đây, Siam Cement Group (SCG), tập đoàn đa ngành Thái Lan hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì, vừa cho biết sẽ hợp lực với Rengo (Nhật) để sở hữu Công ty Bao bì Biên Hòa. Đây là doanh nghiệp lâu năm chuyên sản xuất tấm bao bì giấy carton và offset cho các hãng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống với năng lực cung ứng khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Năm 2019, Bao bì Biên Hòa ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.700 tỉ đồng.

Tại Việt Nam, giấy bao bì chiếm gần 50% tổng tiêu thụ toàn ngành giấy. Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá cao: 14-18%/năm. Trong quy hoạch chiến lược phát triển của ngành, Bộ Công Thương đặt ra chỉ tiêu sản lượng giấy bao bì sẽ đạt hơn 6 triệu tấn vào năm 2025, tức gấp đôi quy mô năm 2019.

Siam Cement là một trong những nhà cung ứng bao bì lớn nhất ở Đông Nam Á. Với năng lực sẵn có,  nhà đầu tư này tin rằng thương vụ M&A tại Bao bì Biên Hòa sẽ khuếch trương thêm vị thế trong ngành, cạnh tranh cùng với các đối thủ nổi tiếng khác như Kraft Vina hay gần đây là Lee & Man.

Một phi vụ đáng chú ý khác của người Thái là ở ngành hàng cáp điện. Theo đó, Stark Corporation PCL đã chi ra số tiền kỷ lục 240 triệu USD để mua lại cùng lúc 2 doanh nghiệp là Công ty Cáp điện Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Kim loại màu và nhựa Đồng Việt.

Được thành lập năm 1987 với nhà máy ở Long An, Công ty Cáp điện Thịnh Phát ghi dấu ấn với việc tham gia vào các dự án đầu tư lưới truyền tải điện quốc gia như 500KV, 220KV, 110KV, các chương trình ngầm hóa và cải tạo lưới điện tại các thành phố lớn, các dự án năng lượng tại nông thôn do World Bank, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Thương hiệu này còn dần mở rộng địa bàn kinh doanh khi tham gia vào những công trình sân bay, cầu cảng, đường bộ, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện, các công trình chung cư và nhà ở.

Trong khi đó, Đồng Việt lại tập trung hơn vào khâu sản xuất dây đồng, thanh đồng, thanh nhôm và chế biến các sản phẩm nhựa hợp chất PVC và XLPE. Đồng Việt cũng là công ty con trực thuộc Tập đoàn Thịnh Phát (Thipha Group).

Với thương vụ M&A lần này, Stark Corporation sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn khách hàng sẵn có của Thịnh Phát, đồng thời tham gia vào các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long thành, thành phố thông minh, các tuyến cao tốc và metro đang rục rịch triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố.

Là một quốc gia đang trong giai đoạn khát năng lượng, Việt Nam từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư Thái. Đó là lý do mới đây Super Energy Corporation đã quyết định chi ra gần 457 triệu USD để mua lại 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đây là các dự án thuộc cụm năng lượng Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng công suất lắp đặt 750MW.

Hay giữa cơn bão dịch COVID-19, Central Group cho biết sẽ rót thêm 500 triệu USD để mở rộng chuỗi bán lẻ ở Việt Nam, đưa thị trường gần 100 triệu dân này trở thành động lực quan trọng với tỉ trọng đóng góp 25% vào tổng doanh thu của Tập đoàn trong vòng 5 năm tới.

Sau 6 năm đầu tư, Central Group đang sở hữu hệ thống khoảng 250 siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại hơn 37 địa phương cả nước, trong đó có 31 trung tâm thương mại, 35 đại siêu thị Big C, 25 cửa hàng Lanchi Mart, 50 cửa hàng thời trang thuộc các thương hiệu Robins, DELALA, Supersports và Marks & Spencer, 56 cửa hàng điện tử Nguyễn Kim, cùng với 40 cửa hàng tiện ích theo xu thế hiện đại như LookKool, C-Express, B2S.

Hàng loạt thương vụ đầu tư có quy mô lớn cho thấy sự kiên trì và tầm nhìn xa của giới đầu tư Thái Lan khi nhìn vào triển vọng thị trường Việt Nam. Đó cũng là nhằm bù đắp lại nguy cơ nền kinh tế Thái Lan tiếp tục giảm tốc vì du lịch bị ảnh hưởng, đồng baht Thái tiếp tục tăng giá trong những năm tới.

Việc kiểm soát sớm dịch bệnh ngay từ cuối tháng 4 giúp Việt Nam giảm thiểu đáng kể thiệt hại để bắt đầu công cuộc khởi động lại nền kinh tế. Theo dự báo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, GDP năm nay sẽ tăng chậm lại về mức 3,3%, nhưng dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ lên tới 7,3% vào năm 2021 khi nhu cầu trong và ngoài nước hồi phục. Theo nhận định của Fitch, xuất khẩu và du lịch có thể tăng tốc trở lại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất gia tăng sẽ hỗ trợ triển vọng kinh tế trong trung hạn cho Việt Nam.