
M&A là cách nhanh và hiệu quả để các tập đoàn Thái thâm nhập thị trường, tận dụng cơ sở hạ tầng, thương hiệu và mạng lưới phân phối sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TL.
Người Thái & 3 mảnh ghép M&A ngành nhựa
CG Packaging (SCGP, thành viên của tập đoàn Thái Lan SCG) qua công ty con là SCGP Rigid Packaging Solutions (SCGPRPS) vừa hoàn tất mua thêm 30% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân. Sau giao dịch, SCG Packaging sở hữu toàn bộ vốn tại Nhựa Duy Tân. Tổng giá trị giao dịch thương vụ này là 2.825 tỉ đồng.
Hoàn thiện “bộ sưu tập nhựa”
Như vậy, các tập đoàn lớn của Thái Lan, đặc biệt là SCG (Siam Cement Group) và Indorama Ventures gần như đã có đủ “bộ sưu tập” hầu hết các doanh nghiệp lớn của ngành nhựa Việt Nam. Ngoài Duy Tân, một số thương vụ tiêu biểu của người Thái gồm Nawaplastic Industries (công ty con của SCG) đã nắm giữ lượng lớn cổ phần tại 2 doanh nghiệp ống nhựa là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) kiểm soát thị phần đáng kể trong lĩnh vực ống nhựa xây dựng. SCG cũng đã mua lại cổ phần lớn tại 2 công ty bao bì nhựa là Bao bì Tín Thành (Batico) và Bao bì Biên Hòa (Sovi), mở rộng sự hiện diện trong mảng bao bì. Indorama Ventures đã mua lại 100% cổ phần của Nhựa Ngọc Nghĩa, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa...
Có thể thấy, M&A là cách nhanh và hiệu quả để các tập đoàn Thái thâm nhập thị trường, tận dụng cơ sở hạ tầng, thương hiệu và mạng lưới phân phối sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, thời gian gần đây, người Thái tăng tốc các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, xây dựng... Trong đó, ngành nhựa Việt Nam trở nên hấp dẫn khi tốc độ tăng trưởng ấn tượng (15-17%/năm) và dư địa phát triển lớn, chỉ sau viễn thông và dệt may.
![]() |
Thâu tóm các doanh nghiệp nhựa đầu ngành, người Thái nhắm đến nhiều mục tiêu. Trước hết, Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn khi tiêu thụ nhựa bình quân đầu người vẫn còn thấp so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa, các tập đoàn Thái Lan ngay lập tức nắm giữ thị phần lớn và kiểm soát mạng lưới phân phối rộng khắp của các doanh nghiệp này.
Phân hóa hậu M&A
Ngoài sản phẩm nhựa thành phẩm, các nhà đầu tư Thái Lan cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở các khâu khác trong chuỗi giá trị ngành nhựa, từ nguyên liệu cho đến bao bì, tái chế nhằm tạo ra một hệ sinh thái khép kín và tối ưu hóa lợi nhuận. Ví dụ, SCG đã sở hữu công ty sản xuất hạt nhựa và sau đó mua lại các công ty sản xuất sản phẩm nhựa để tối ưu hóa quy trình. SCG đã có kế hoạch lớn cho tổ hợp hóa dầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhựa của họ.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và phân phối sản phẩm không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác.
Các chiến lược này đang biến nhiều doanh nghiệp nhựa của Việt Nam thành “gà vàng” trong tay người Thái. Đại diện của SCG Packaging cho rằng, Duy Tân cung cấp các sản phẩm có thương hiệu và biên lợi nhuận cao, giúp họ củng cố lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn ở thị trường Việt Nam. Năm 2024 Nhựa Duy Tân ghi nhận doanh thu 5.381 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 578 tỉ đồng. Thị trường Việt Nam đóng góp 16% doanh thu cho SCG Packaging trong năm qua, chỉ xếp sau Thái Lan (42%) và cao hơn Indonesia (14%).
Cũng như vậy, người Thái tiếp tục bỏ túi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhờ Nhựa Bình Minh. Doanh thu của Nhựa Bình Minh năm 2025 được dự báo có thể đạt 5.500 tỉ đồng; lãi ròng được kỳ vọng tiếp tục neo ở mức cao từ 1.000-1.100 tỉ đồng trong giai đoạn 2024-2026. Ông Chaowalit Treejak, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhựa Bình Minh, cho biết với đà tăng trưởng hiện tại, Công ty kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực, nhất là khi dòng vốn FDI tiếp tục tăng và đổ vào các lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
![]() |
Việc nhà đầu tư Thái Lan gia tăng thâu tóm ngành nhựa Việt Nam mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Doanh nghiệp Việt Nam được thâu tóm có thể tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, công nghệ sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, với xu hướng toàn cầu về bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn, các nhà đầu tư Thái Lan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào mảng nhựa tái chế.
Tuy nhiên, đằng sau các thương vụ M&A, ngành công nghiệp nhựa Việt Nam có thể trở nên phụ thuộc vào các ông chủ nước ngoài, ảnh hưởng đến định hướng phát triển công nghiệp chung của quốc gia. Việc các doanh nghiệp như Duy Tân, Bình Minh, Tiền Phong... được người Thái rót vốn mạnh mẽ để phát triển sẽ đặt áp lực cạnh tranh lớn lên nhóm doanh nghiệp còn lại. Thị trường nhựa trong nước có thể sớm hình thành 2 khu vực rõ nét: nhóm doanh nghiệp lớn theo chuỗi giá trị tích hợp toàn cầu (vốn ngoại hoặc có cổ đông chiến lược nước ngoài) và nhóm sản xuất nhỏ phục vụ thị trường ngách hoặc địa phương.
Theo ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu không chỉ đẩy cao chi phí đầu vào của doanh nghiệp mà còn khiến ngành nhựa dễ bị tổn thương trước biến động giá cả toàn cầu. Đặc biệt, việc thiếu hụt nguyên liệu còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng mở rộng. Không ít doanh nghiệp nhựa Việt Nam không vượt qua nổi, khó cạnh tranh trên thương trường mà quyết định “bán mình” sớm cho nhà đầu tư nước ngoài. Tình trạng này được dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn khi cạnh tranh khốc liệt hơn.
Có thể bạn quan tâm