Ảnh: Ra mắt cửa hàng Uniqlo tại TP.HCM.
Người Nhật thâu tóm thời trang Việt
Thị trường thời trang Việt đang chứng kiến nhiều cuộc đổ bộ của các hãng thời trang quốc tế, nhiều thương hiệu trong nước đã phải bán lại cho đối tác ngoại.
Thời trang nội yếu thế
Điển hình gần đây nhất là NEM rơi vào tay một đối tác Nhật sau khi để lại các khoản nợ 118 tỉ đồng cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đối tác của NEM hiện là Stripe International Inc, một công ty bán lẻ thời trang nổi tiếng của Nhật. Sau khi về tay đại gia Nhật này, số lượng cửa hàng của NEM đã tăng gấp đôi, với con số 90, đồng thời mở rộng hoạt động ra nhiều thành phố trên khắp cả nước. Trước đó, NEM chủ yếu hoạt động ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài NEM, Stripe International Inc cũng vừa mua Vascara của Việt Nam, một thương hiệu giày dép, balo, túi xách, ví và phụ kiện dành cho phái nữ. Tên chính thức của Vascara sau thương vụ M&A là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Global Fashion. Theo đại diện Stripe International, thâu tóm Vascara sẽ giúp công ty Nhật gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, rất tiềm năng với 100 triệu dân.
Tiếp theo đó, một công ty khác của Nhật là Asia Fund, thuộc Advantage Partners, cũng vừa hoàn thành thương vụ mua lại thương hiệu thời trang Elise của Việt Nam. Trong 5 năm tới, Elise vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thời trang nữ của Việt Nam, độ tuổi từ 20-45.
Thị trường này được nhiều báo cáo dự đoán có quy mô giá trị khoảng 2 tỉ USD vào năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm. Mục tiêu của Elise với vốn mới của Nhật là trong 4 năm tới, hệ thống cửa hàng sẽ tăng gấp đôi và tổng doanh thu tăng gấp 4 lần so với hiện tại. Hiện nay, Elise có 95 cửa hàng trên cả nước với 3 nhà máy chính và hơn 30 công ty gia công độc quyền, cung cấp gần 3 triệu sản phẩm mỗi năm.
Theo ông Tokuo Yotaro, thành viên Hội đồng Quản trị Elise, ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất châu Á và nhiều cơ hội hơn cả Nhật. Còn theo số liệu từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 190 triệu đôi giày dép mỗi năm.
Trước tiềm năng này, đầu tháng 12.2019, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật là Uniqlo đã ra mắt hoành tráng với quy mô 3 tầng tại Trung tâm thương mại Parkson Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM. Theo ông Tadashi Yanai, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với Uniqlo và ông rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này.
Không chỉ đối mặt với các hãng thời trang Nhật, thời trang trong nước còn phải cạnh tranh với các thương hiệu thời trang quốc tế như Zara, H&M... Hiện các thương hiệu thời trang Việt đình đám một thời như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT 2000, Việt Thy... dù vẫn hoạt động nhưng hầu hết đều thu hẹp mặt bằng và kinh doanh khá chật vật. Trong khi đó, một số thương hiệu trong nước vẫn tích cực mở rộng như Canifa, Hnoss, IVY Moda...
Tuy nhiên, Hnoss đã bán lại cho Seedcom vào năm 2018 vì khó cạnh tranh. Chia sẻ với truyền thông, bà Cổ Huệ Anh (nhà sáng lập thương hiệu Hnoss), cho biết: “Có vài chục thương hiệu cửa hàng thời trang tầm trung đang kinh doanh, nếu không bán thì sẽ chết”. Thực tế, các thương hiệu thời trang tầm trung đang gặp quá nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay về mặt bằng, kênh bán hàng, khâu vận hành và quản trị, khó cạnh tranh nổi với làn sóng thời trang ngoại. “Đặc biệt, xu hướng thời trang nhanh đang phát triển, mỗi tuần lại ra mắt thiết kế mới nên các thương hiệu trong nước cũng khó theo kịp”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, chia sẻ.
Sức hút với người Nhật
Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Nielsen, mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt đứng thứ 3, chỉ sau dành cho thực phẩm và tiết kiệm. Cũng theo Nielsen, số người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chỉ ra trung bình, mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỉ đồng cho quần áo. Vì vậy, thị trường thời trang vẫn thu hút các thương hiệu thời trang ngoại. Theo chia sẻ của Zara, doanh thu của hãng này tại Việt Nam năm 2018 đạt 2.000 tỉ đồng, tăng trưởng 70% so với năm 2017, nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất của Zara trên toàn cầu. Còn H&M cũng đạt doanh thu 664 tỉ đồng trong năm 2018, gấp 3 lần so với doanh thu năm trước.
Chính vì nắm bắt được thị trường thời trang Việt, nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi dệt của Nhật cũng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đại diện của Công ty Suminoe có trụ sở tại Osaka, cho biết sẽ thành lập nhà máy sản xuất thảm điện tại Việt Nam để tận dụng chi phí lao động thấp, với số vốn đầu tư 1,9 triệu USD. Công ty Dệt may Suminoe Việt Nam sẽ thuê nhà máy để sản xuất thiết bị sưởi ấm điện như thảm điện và chăn, với công suất sản xuất lớn hơn 30% so với nhà máy hiện có của Công ty tại Trung Quốc.
Nhà sản xuất hàng may mặc khác của Nhật là Tập đoàn Matsuoka thành lập công ty con có tên là Annam Matsuoka May, tiến tới xây dựng và vận hành nhà máy mới tại Nghệ An. Itochu, tập đoàn có tiếng về thương mại, dệt may đã chi khoảng 46,9 triệu USD để mua thêm 10% cổ phần tại Vinatex, nâng tỉ lệ sở hữu của Itochu lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex.
Hiện Itochu xuất khẩu lượng hàng may mặc từ Việt Nam trị giá trên 60 tỉ yen, tương đương 12.840 tỉ đồng mỗi năm, trong đó một nửa do Vinatex sản xuất. Itochu đặt mục tiêu tăng sản xuất gia công và tăng xuất khẩu lên 100 tỉ yen vào năm 2021. Itochu hiện hợp tác kinh doanh với trên 100 hãng dệt may Việt Nam. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp dệt may sản xuất cho Itochu theo hợp đồng.
Chính vì vậy, đánh giá về cơ hội mở ra cho doanh nghiệp và ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Vinatex, cho rằng, cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật ngày càng rõ ràng khi Itochu đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam.