Người Nhật chuộng thực phẩm "Made in Vietnam"
Với việc xoá bỏ các dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng mạnh trong quý I/2019. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I/2019 đạt 4,62 tỉ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu tỉ USD vào Nhật Bản, đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Những mặt hàng chủ lực vào Nhật từ đầu năm đến nay phải kể đến như dệt may, phụ tùng vận tài và mặt hàng thủy hải sản, nông sản.
Theo Tổng cục Hải quan, nhìn chung, trong quý đầu năm 2019 kim ngạch hầu hết các mặt hàng xuất sang Nhật Bản đều tăng trưởng so với cùng kỳ, số này chiếm 62,5%.
Theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam, thủy sản và nông sản vẫn là mặt hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Tetsuichiro Tomihari, Giám đốc khối triển lãm của Hiệp hội Siêu thị toàn Nhật Bản (NSAJ), trong buổi giới thiệu về Triển lãm Thời trang và Thực phẩm 2019, nhận định từ khóa mà người Nhật rất quan tâm khi mua thực phẩm là “tốt cho sức khỏe”. Do vậy, có được yếu tố này thì sẽ có cơ hội vào thị trường Nhật Bản.
Và một trong những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa vào thị trường “khó tính” này có thể kể đến phở, bún khô, mì do…dễ vận chuyển, giảm chi phí so với đồ tươi. Cũng theo ông Tetsuichiro Tomihari, trong hội chợ NSAJ tổ chức tại Nhật Bản, sản phẩm của Việt Nam tham gia trưng bày chủ yếu là mặt hàng gia vị và đồ khô. Người Nhật đang thay đổi xu hướng tiêu dùng.
Người trẻ tại Nhật từ độ tuổi 20-30 đang có thói quen tìm đến những cửa hàng thực phẩm của nước ngoài để mua sắm vì họ họ quan tâm đến giá sản phẩm, Tetsuichiro Tomihari chia sẻ thêm.
Đây chính là một ưu thế giúp hàng hóa và thực phẩm của Việt Nam vào được thị trường Nhật. Người trẻ dựa vào sự nổi tiếng của sản phẩm để lựa chọn sản phẩm, vì dụ nhắc đến Việt Nam họ nghĩ ngay đến phở. Đó cũng là lý do vì sao sản phẩm phở khô, bún khô của Việt Nam được giới trẻ nước này lựa chọn.
Tỉ lệ độc thân ở Nhật cũng tăng lên vì thế, họ ít nấu ăn và lựa chọn những thực phẩm ăn nhanh như mì, bún, phở khô… theo con số mới nhất, trung bình chỉ hơn 30% người dưới 40 tuổi nấu ăn mỗi ngày, hơn 60% chỉ nấu 2 ngày/tuần.
Ở phân khúc cao cấp hơn, những người có tiền ở Nhật cũng rất quan tâm đến sức khỏe nhưng họ chọn những sản phẩm có chất lượng và an toàn cho sức khỏe. Đó là lý do vì sao, lá tía tô Việt Nam có giá xuất khẩu gấp nhiều lần giá bán tại thị trường Việt Nam.
Cũng theo nghiên cứu kể trên của NSAJ, mỗi tháng một người Nhật bỏ ra trung bình hơn 7 triệu đồng để chi trả cho các loại thực phẩm, đây là một con số cho thấy thị trường thực phẩm của Nhật Bản rất hấp dẫn.
Chị Lại Thị Minh Nguyệt, một sinh viên du học tại Nhật năm thứ 3 chia sẻ rằng trong những năm gần đây người Nhật khá chuộng các loại thuỷ hải sản đông lạnh Việt Nam như tôm, bạch tuộc, cá ngừ; và các loại trái cây như chuối, cam, xoài, nhãn, thanh long,…
“Bên cạnh đó, có 3 loại đồ khô của Việt Nam được người Nhật đặc biệt yêu thích là phở gói, mì tôm và bánh tráng cuốn. Mặc dù Nhật Bản là đất nước “cha đẻ” của mì gói với đa dạng chủng loại, nhưng họ vẫn thích phong vị chua cay độc đáo của mì tôm Việt, có thể kể đến mì Reeva của Uniben, công ty đang sở hữu nhãn hàng 3 Miền và Hảo Hảo của Acecook. Trong các hội chợ triển lãm thực phẩm có Việt Nam tham dự, mì tôm và phở luôn là hai mặt hàng bán chạy nhất. Người Nhật cũng thích dùng bánh tráng cuốn để cuốn các loại hải sản và rau để làm gỏi cuốn”, chị Minh Nguyệt cho hay.
Một đặc điểm lưu ý khi xuất khẩu vào Nhật, bất kỳ loại hàng hóa nào cũng phải có hình thức đẹp, sạch sẽ. Bao bì sản phẩm phải rất cẩn thận đúng tiêu chuẩn, hình thức đẹp, kích thước hợp tạo được sự lôi cuốn và tiện dụng cho người sử dụng. So với các thị trường khác, tại Nhật Bản đối với một số mặt hàng như hàng quà tặng, chi phí cho bao bì chiếm tỉ trọng cao hơn trong giá thành sản phẩm.