Người giàu thế giới lo rửa tiền, nhà giàu Việt Nam thì sao?
Khi quả bom “Hồ sơ Panama” phát nổ, người ta mới thấy rằng, nhà giàu thế giới đã phải luồn lách tìm cách hợp thức hóa du thuyền, bất động sản của mình ra sao. Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, giới nhà giàu chẳng phải rầu lòng đến thế, thậm chí người ta còn thoải mái “khoe tiền” vì khung quy định vẫn thiếu chặt chẽ.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) vừa mua một căn nhà tại quận Long Biên với giá trị giao dịch lên trên hai tỷ đồng. Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, chị Thúy cho biết toàn bộ quá trình mua bán diễn ra trực tiếp giữa hai bên không qua một tổ chức trung gian nào cả. Do đó, giá trị trên hợp đồng mua - bán khi đi công chứng được thỏa thuận ghi theo yêu cầu của chủ nhà nhằm thuận lợi cho việc đóng thuế. Bên cạnh đó, chị Thúy cũng đã thanh toán cho bên bán số tiền mua nhà trên hoàn toàn bằng tiền mặt.
Nhắc tới thực tế này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO cho rằng, ở nước ngoài, để được tiêu tiền, cá nhân có thể phải phân nhỏ ra để đầu tư sòng bạc, bất động sản và thậm chí cố hạch toán từ lỗ thành lãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm “rửa tiền” hầu như vẫn khá xa lạ và thậm chí là nhiều người còn “khoe tiền.”
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có quan điểm như vậy khi nói về vấn đề này ở Việt Nam.
Theo ông, bản chất của sự việc là ở nước ngoài, cá nhân phải chứng minh thu nhập của bản thân rất kỹ càng và minh bạch và không thể đơn giản “cầm” tiền đi mua nhà, mua xe.
“Ở nước ngoài, không có chuyện mua nhà rồi nói tôi vay chị tôi, vay thì phải điều tra, tiền ở đâu ra. Thu nhập ở nước ngoài, kể cả tổng thống cũng phải công bố tài sản của mình trên website, ai cũng có thể vào xem,” ông Bình nói.
Sự chặt chẽ ấy theo ông đã nảy sinh ra nhu cầu rửa tiền của giới nhà giàu nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vị tiến sỹ này thừa nhận “nền kinh tế ngầm” vẫn còn quá lớn. Nền kinh tế ngầm này theo ông có nghĩa là “nền kinh tế không chính thức” với lưu lượng sử dụng tiền mặt quá lớn.
“Ta đi cắt tóc, ăn bát phở tất nhiên không bao giờ có hóa đơn nhưng nước ngoài đó là việc bắt buộc,” ông Bình lên tiếng.
Theo ông, ngay cả với người kinh doanh nhỏ ở các nước khác, nếu bị phát hiện trốn thuế hay cụ thể chỉ là không xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho khác thôi đã phải “lãnh hậu quả ghê gớm.” Những cá nhân, hộ kinh doanh này lập tức có thể bị ghi vào “sổ đen” cả đời và phải nhận án phạt nặng tới mức gần như khánh kiệt.
“Ở Việt Nam thì pháp luật lỏng lẻo hơn trong quản lý. Đây là vấn đề phải chấp nhận vì chúng ta vẫn trong giai đoạn hoàn thiện thể chế,” vị chuyên gia kinh tế nói.
Việc dễ dãi ấy khiến ông Trương Thanh Đức thừa nhận, nhà giàu Việt Nam không mấy bận tậm tới việc rửa tiền mà hoàn toàn có thể dùng tiền tỷ để mua sắm nhà cửa.
Luật sư Đức đặt ra câu hỏi, tại sao Việt Nam không đầu tư hệ thống kiểm soát hóa đơn, tránh tình trạng “có khi 3 năm sau mới ngồi dò lại hóa đơn nghi ngờ bất hợp pháp.” Đây là điều theo ông hoàn toàn có thể làm được trong điều kiện hiện tại. Ngoài ra, theo ông, cơ quan chức năng cũng cần đặt ra điều kiện kinh doanh buộc doanh nghiệp phải nối mạng với cơ quan thuế để đối chiếu hóa đơn, chứng từ.
Cũng theo ông, việc mua sắm bằng tiền mặt nên đặt ra ngưỡng, ví dụ như mua sắm từ 100 triệu đồng phải thực hiện qua tài khoản. Điều này theo ông có thể có ngoại lệ nhưng sẽ phải “soi” kỹ với những giao dịch như vậy.
“10 năm sau, mức 100 triệu đồng này sẽ không còn lớn như hiện tại và dần dần sẽ đi vào nề nếp,” ông Đức lên tiếng
Tuy nhiên, ngoài những biện pháp như vậy, vị chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong ngành ngân hàng cho rằng, điều quan trọng hơn là phải thay đổi về nhận thức và thực sự quan tâm tới vấn đề này.
Nguồn Vietnam+