Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng nghèo đói thành một nền kinh tế có mức thịnh vượng khiêm tốn chỉ trong một thế hệ. Ảnh: Shutterstocks

 
Xuân Mai Chủ Nhật | 11/08/2024 13:30

Người giàu cũng lo

Đằng sau sự hào nhoáng của các con số triệu phú USD, tỉ phú USD, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cảnh báo cận kề.

Báo cáo của công ty tài sản toàn cầu New World Wealth và công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners chỉ ra Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhóm triệu phú USD nhanh nhất thế giới, với mức tăng 98% trong 10 năm (2013-2023).

Triệu phú USD tăng nhanh

Theo báo cáo, số triệu phú của Việt Nam đã đạt 19.400 người tính đến cuối năm ngoái, tăng gần gấp đôi sau 10 năm. Dù vậy, số người có tài sản hơn 100 triệu USD chỉ khoảng 58 người, còn số tỉ phú USD chỉ có 6. New World Wealth cho rằng, mức độ giàu có của Việt Nam được dự báo tăng tới 125%. Đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú.
Các đơn vị nghiên cứu đánh giá sự gia tăng nhanh chóng triệu phú ở Việt Nam phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng. Sở dĩ tài sản tích lũy của người Việt được dự báo tăng nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu, theo chuyên gia của New World Wealth, là bởi Việt Nam đang củng cố vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, với chiến lược “Trung Quốc + 1”, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường phương Tây đang chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

 

Vì thế, từ con số 2 triệu USD, Việt Nam đã thu hút 524 tỉ USD vốn đăng ký FDI sau 35 năm. Nhờ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, tăng trưởng kinh tế kéo theo tăng trưởng về thu nhập của người dân. Theo số liệu của World Bank, trong năm 2023 GDP của Việt Nam đạt gần 430 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD.

Sự giàu có còn nhờ kỳ vọng vào giới doanh nghiệp tư nhân Việt. Sự bứt phá về quy mô vốn, quy mô tài sản của hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát, Thaco, Masan, Techcombank, FPT... trong thập kỷ qua đã tạo ra rất nhiều triệu phú USD, tỉ phú USD người Việt. Những con số triệu phú USD, tỉ phú  USD gia tăng là động lực thay đổi của nền kinh tế Việt Nam với hoài bão trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Đằng sau các con số

Nhiều dự báo cho thấy, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh ở tầng lớp trung lưu, một bộ phận người có thu nhập trung bình chuyển sang thu nhập trung bình cao. Mức độ gia tăng tài sản chủ yếu nằm ở nhóm này và nhóm người giàu.

Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát phân hóa giàu nghèo.
Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát phân hóa giàu nghèo.

Tuy nhiên, bóc tách các con số thì thấy rõ sự giàu có của các triệu phú, tỉ phú của Việt Nam có nguồn gốc nhiều từ thương mại, trong đó phần nhiều từ kinh doanh bất động sản hơn là sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ) cho thấy các tỉ phú thế giới làm giàu từ công nghệ viễn thông là đầu tiên. Đó cũng là ngành kinh tế mang lại nhiều của cải nhất hiện nay. Thứ 2 là khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thứ 3 là bán lẻ. Thứ 4 là ngành tài chính, đầu tư. Không có những người siêu giàu từ bất động sản.

 

Phụ thuộc nhiều vào làm giàu từ bất động sản đang tạo ra nghịch lý tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người lại thuộc nhóm 25% quốc gia thấp nhất, có khoảng cách xa so với các quốc gia phát triển. “Dự báo người Việt có thể giàu nhanh nhất thế giới còn những yếu tố phải theo dõi trong thời gian tới, tiến tới thịnh vượng, giàu còn chặng đường xa”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Cùng với đó, World Bank đã đưa ra cảnh báo, Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa từ năm 2015 và dự báo già hóa vào năm 2035, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Trong khi dù số triệu phú, tỉ phú tăng lên nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu và còn lâu mới bắt kịp các quốc gia có cùng khát vọng trong khu vực và đạt được mức cao hơn mức thu nhập trung bình vào năm 2035.

Rủi ro cận kề 

Nói một cách khác, sau sự hào nhoáng của các con số về triệu phú USD, tỉ phú USD, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cảnh báo “chưa giàu đã già” hoặc “bẫy thu nhập trung bình thấp”.

Lực lượng công nhân sản xuất trẻ, dồi dào của Việt Nam siêng năng, có trình độ học vấn khá cao và chi phí chỉ bằng 1/2 so với công nhân ở các vùng ven biển Trung Quốc. Lợi thế này, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, giúp Việt Nam thu hút tốt dòng vốn FDI. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều hạn chế trong tiếp cận, chuyển giao công nghệ. Vì thế, Việt Nam vẫn đang ở vị trí một nền kinh tế gia công giá trị thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Bên cạnh đó, muốn tăng trưởng bền vững, chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào nhu cầu và sản xuất hàng hóa nội địa - trụ cột của một nền kinh tế, nền tảng tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước”, ông Hiếu cho biết.

 

Và với cả 2 trụ cột FDI cũng như kinh tế tư nhân, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang các ngành công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, đổi mới sáng tạo trên nền tảng tăng năng suất lao động và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiến sĩ Jonathan R. Pincus, Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), khuyến nghị Việt Nam cần phải tăng cường phát triển đội ngũ lao động có năng suất, đi kèm với hiệu suất lao động. “Việt Nam có cơ hội lớn duy trì tốc độ phát triển, nhưng cần đẩy mạnh đầu tư trong phát triển giáo dục đại học bậc cao, cải cách tài chính nhằm tạo ra nguồn lực đầy đủ cho tư nhân, cải cách công nghiệp”, ông nói.

Quan trọng hơn, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại và môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng nên các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải bắt kịp sự thay đổi này. Việt Nam đang có những bước đi chậm so với yêu cầu của các nhà đầu tư. Cơ quan chịu trách nhiệm về thu hút FDI là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác. Chẳng hạn, LG Chemical chuyển sang Indonesia; Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỉ USD nhưng sau đó chuyển sang Ba Lan; tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo nhận thấy Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn nên đã chuyển sang Malaysia...

 

Hiện nay, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), ưu đãi về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Do đó, Việt Nam đang giảm dần cạnh tranh trong thu hút đầu tư và chưa khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài.

“Số liệu đầu tư FDI vào Việt Nam rất đẹp, tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường chứng khoán, khối ngoại lại liên tục bán ròng. Trong 5 năm khối ngoại bán ròng 7 tỉ USD, gần như mỗi quý đều bán”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital, nhận xét. Theo ông, phải thẳng thắn thừa nhận rằng hệ sinh thái của Việt Nam còn kém, không đủ hấp dẫn để giữ chân các tập đoàn dẫn đầu về công nghệ. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn chậm.

“Việc giải quyết một số thách thức pháp lý đang rất chậm trễ khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham), kiến nghị.

Trong khi đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nhận định nếu nhóm doanh nghiệp này bị ảnh hưởng hoạt động có thể kéo theo các doanh nghiệp cung ứng khác, gây trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng nghèo đói thành một nền kinh tế có mức thịnh vượng khiêm tốn chỉ trong một thế hệ. Nhưng nền kinh tế này cần phải tiếp tục cải cách, nếu không các con số triệu phú USD, tỉ phú USD sẽ là rủi ro tiềm ẩn hơn là một niềm tự hào.