Người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong nghiên cứu, sáng tạo
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng liệu có sáng kiến gì thực sự là khả thi để không những hỗ trợ cho sự sáng tạo của những người không đi theo con đường nghiên khoa học chuyên nghiệp, thậm chí không có bằng cấp mà còn tạo điều kiện để họ có thể thương mại hóa các sáng chế, sáng tạo của mình?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sáng kiến trong đó quy đó quy định rất rõ người dân làm gì, cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ cái gì.
Chúng tôi rất mong những người dân có sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật liên hệ với các cơ quan quản lý về KHCN ngay từ khi mới có ý tưởng. Chúng tôi đã yêu cầu 63 Sở KH&CN của các địa phương phải luôn quan tâm tới sáng kiến, sáng tạo của người dân. Khi người dân tìm đến thì phải có hướng dẫn, hỗ trợ và phải báo cáo với các cơ quan quản lý cấp trên nếu như vượt quá thẩm quyền.
Ngay từ đầu, những nhà sáng chế, sáng tạo nên liên hệ với Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố. Sở KH&CN sẽ hướng dẫn cách thức liên hệ với các viện nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành. Từ đó, người dân sẽ được hỗ trợ trong quá trình sáng tạo.
Nếu những nhà sáng chế, sáng tạo không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước thì họ là chủ sở hữu 100%. Còn nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí bên cạnh kinh phí tự bỏ ra thì chia sẻ quyền sở hữu là theo tỷ lệ kinh phí mà 2 bên đóng góp.
Các cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ họ trong việc đăng ký sáng chế hoặc bản quyền để được bảo hộ. Nếu như không đến với cơ quan Nhà nước, không có ai hỗ trợ thì ý tưởng của họ nếu có thành công mà bị nhái, bị ăn cắp thì quyền lợi của họ thiệt thòi rất nhiều.
Một khán giả nêu vấn đề, trong số 13 nhà vô địch trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm nào nay chỉ có 1 bạn trẻ về nước công tác. Có một thống kê trên báo cho thấy 70% du học sinh Việt Nam muốn ở lại nước ngoài làm việc mặc dù có thể tìm được 1 địa chỉ phù hợp với sở trường. Cùng ở góc độ nhà nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho biết làm thế nào để chúng ta ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trước hết chúng ta phải tạo ra môi trường tương tự như vậy, dù có thể không được như các nước phát triển nhưng ít nhất ở mức độ người làm nghiên cứu khoa học thấy có thể phát huy được tài năng.
Mời những nhà nghiên cứu về làm việc ở nơi không có trang thiết bị, thiếu những điều kiện làm việc tối thiểu nhất, không có đồng nghiệp cùng trình độ thì chắc chắn những tài năng của họ sẽ thui chột, lãng phí.
Vì thế, Bộ KH&CN đang báo cáo với Chính phủ xây dựng 1 cơ sở nghiên cứu có điều kiện làm việc tương đối thuận lợi. Đó là Viện Công nghệ Khoa học Việt Nam - Hàn Quốc.
Chúng tôi cố gắng tạo ra ở đấy 1 môi trường nghiên cứu thật sự tương đồng với các nước phát triển. Ở đó, các nhà khoa học có đủ phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thông tin và hơn cả là đồng nghiệp từ những viện nghiên cứu tốt nhất trong nước cũng như ở nước ngoài.
Tôi tin là có thể thu hút được những bạn sinh viên giỏi về nước làm việc.
Khi chúng ta có thể nhân rộng được mô hình đó ra thì biết đâu đã làm quá muộn để thu hút họ quay trở lại làm việc, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bây giờ chúng ta thông qua được 1 mô hình. Nếu thí điểm thành công, với cơ chế chính sách, ưu đãi như thế, giao quyền tự chủ như thế, điều kiện làm việc như thế mà giữ được chân, tạo được điều kiện để những nhà nghiên cứu có thể sáng tạo được thì chúng ta sẽ sửa đổi Luật, Nghị định, Thông tư.
Và như vậy, các cơ sở nghiên cứu hiện tại sẽ có được những cơ chế chính sách để người giỏi có thể quay trở về làm việc. Bởi nếu với cơ chế chính sách hiện tại, ngay cả những viện lớn như Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam dù được đầu tư thế nào chăng nữa cũng không đủ sức thu hút người giỏi từ nước ngoài trở về.
Một khán giả từ TPHCM gửi thư về chương trình, hỏi: Thưa Bộ trưởng, mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm của nước ta được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD. Con số này còn rất khiêm tốn so với mức đầu tư tại nhiều nước. Ngay ở Trung Quốc, phòng thí nghiệm của một trường đại học cũng được đầu tư vượt xa con số 3 triệu USD. Tại Nhật Bản, chi phí đầu tư cho 1 phòng thí nghiệm trọng điểm từ những năm 1990 đã là 15-20 triệu USD. Bộ trưởng có nghĩ rằng việc thiếu đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ta đang ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi đồng ý là đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm của chúng ta còn thấp và cơ chế đầu tư còn vướng mắc. Bộ KH&CN phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ danh mục dự án đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm. Nhưng đến khi được phê duyệt, Bộ KH&CN lại không được tham gia vào quá trình đầu tư mà do bộ chủ quản cùng với Bộ KH&ĐT đầu tư, khi nào đầu tư xong thì bàn giao cho bộ chủ quản.
Đến lúc đó Bộ KH&CN trở lại cùng bộ chủ quản vận hành phòng thí nghiệm trọng điểm đó. Sau hơn 10 năm triển khai đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm, chúng tôi tổ chức kiểm tra thì mới thấy hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm đến lúc đầu tư xong thì trang thiết bị lạc hậu rồi.
Thưa Bộ trưởng, một khán giả thắc mắc rằng tại sao kết quả, đề tài nghiên cứu và đánh giá của hội đồng khoa học lại không được công khai?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo quy định của pháp luật, kết quả nghiên cứu sau khi được đánh giá nghiệm thu phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia kể cả đối với đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ.
Có thể khán giả thấy ở một địa phương thực hiện không nghiêm túc việc công khai kết quả đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu và theo báo cáo của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, chỉ hơn 60% đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ giao nộp kết quả cho Cục sau khi nghiệm thu, mặc dù đây là điều kiện tiên quyết để thanh lý hợp đồng nghiên cứu với cơ quan chủ trì. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chủ trì không chấp hành nghiêm chỉnh việc này. Do đó, việc thanh lý hợp đồng và quyết toán đề tài nhiều khi bị chậm chễ. Sắp tới, chúng tôi siết chặt vấn đề này. Nếu đề tài, dự án nào không nộp kết quả sau nghiệm thu thì sẽ không được thanh lý hợp đồng và quyết toán.
Nguồn: Chinhphu.vn