Hai dự án Metro tại TP.HCM hơn 50.000 tỷ đồng.
Người dân ít cơ hội tham gia giám sát ngân sách nhà nước
Phó Ban Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Phan Văn Vượng, tại Tọa đàm: Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát Ngân sách Nhà nước – Khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn, hôm 15.8, cho biết, từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 107.592 cuộc giám sát.
Tập trung giám sát đầu tư công
“Đầu tư công đang là lĩnh vực được MTTQ các cấp thực hiện giám sát nhiều nhất”, Phó Ban Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho biết. Hoạt động giám sát của MTTQ tập trung vào 3 nội dung chính: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc giám sát cộng đồng đối với các dự án đầu tư công được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư công năm 2014. Theo đó, Ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì thành lập Ban chỉ đạo Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án.
Theo số liệu của Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, năm 2017, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm trái phiếu chính phủ) được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 96,4% tổng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, nhưng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2017 còn lại chưa phân bổ là 21.568,863 tỷ đồng.
Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 299.507 tỷ đồng, đạt 83,9% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 trong khi Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu mức 357.150 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân cho thấy, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 so với kế hoạch đã được Quốc hội giao chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2016, đạt 82,5% kế hoạch.
Theo quan sát của MTTQ, công tác giải ngân vốn đầu tư còn gặp một số vướng mắc, như kế hoạch vốn được giao chậm và giao làm nhiều đợt đã ảnh hưởng đến tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án.
Cạnh đó, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thi công các công trình trong những tháng đầu năm còn chậm, chưa có khối lượng để thanh toán do quy trình, thủ tục xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng phức tạp và mất nhiều thời gian.
Nhiều nhà thầu thi công, chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Một số chủ đầu tư thực hiện việc lựa chọn tư vấn lập dự án, tư vấn lựa chọn nhà thầu chưa tốt, dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, gây kéo dài thời gian và chậm tiến độ thi công.
Nội dung giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng được quy định tại Điều 16, Luật Ngân sách 2015. Vai trò của Mặt trận là chủ trì giám sát ngân sách nhà nước, nhưng ông Phan Văn Vượng cho rằng “đang có nhiều cái khó, về cơ chế, uy tín, cán bộ, cơ sở vật chất, để Mặt trận làm đúng vai”.
Dù vậy, ông Vượng cũng thừa nhận về những hạn chế liên quan đến năng lực và kỹ năng giám sát của chủ thể, đặc biệt ở cấp xã. Một số cán bộ giám sát chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề, chưa hiểu hết các vấn đề tài chính, ngân sách của quốc gia và địa phương.
Phó Ban Dân chủ pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng nói việc giám sát không thường xuyên, không kịp thời, không đến cùng và không toàn diện, đã và đang là nguyên nhân làm kết quả hoạt động giám sát cộng đồng chưa cao.
Triển vọng 60 điểm
Kết quả về Chỉ số công khai ngân sách (OBI) năm 2017, do Tổ chức Đối tác ngân sách quốc tế (IBP) thực hiện trên 125 quốc gia trên thế giới, xác nhận mức độ tham gia của người dân trong quy trình ngân sách chỉ đạt 7/100 điểm.
Xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách Việt Nam thuộc vào nhóm thứ 5, nhóm ít công khai nhất gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách. Năm 2017, so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đạt điểm 7, bằng Thái Lan, cao hơn Campuchia nhưng thấp hơn Đông Timo.
Kết quả này đưa ra kết luận rằng, Chính phủ hiện nay ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào các quá trình liên quan đến ngân sách.
Theo Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP.
Thế nhưng, các tài liệu ngân sách nhà nước còn chưa công khai kịp thời. Theo báo cáo BOBI năm 2017, chỉ có 9/63 số tỉnh công khai kịp thời Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trình HĐND tỉnh.
Với các tài liệu được công khai, có 35/63 tỉnh công khai kịp thời Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được HĐND tỉnh quyết định. Đây là tài liệu được các tỉnh công khai kịp thời nhất.
Theo IBP, việc áp dụng Luật Ngân sách 2015, Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về minh bạch ngân sách bao gồm việc công khai bản dự thảo dự toán ngân sách. Đặc biệt là làm tốt hơn nữa, khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân.