Người dân còn găm giữ USD, lãi suất VND khó giảm
Bên cạnh những ghi nhận về kết quả kiềm chế lạm phát trong năm 2015, câu chuyện lãi suất cũng được nhiều chuyên gia đề cập gần đây. Năm vừa qua, lạm phát chỉ tăng 0,63% theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và là mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính), cơ hội để giảm lãi suất khi lạm phát thấp có tận dụng được hay không lại phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất năm 2016 sẽ giảm nếu tỷ giá USD/VND ổn định. Ảnh minh họa: Anh Quân. |
Vị này cho rằng, tâm lý đầu tư của người dân mang tính bầy đàn và thuận theo xu hướng. "Kỳ vọng mức mất giá VND trong tương lai được xây dựng trên cơ sở mức mất giá thực tế VND trong quá khứ. Bởi vậy, khi giá USD tăng sẽ kích thích người dân găm giữ USD nhiều hơn. Nếu người dân không sẵn sàng nắm giữ VND, sẽ rất khó giảm lãi suất", ông nói.
Để làm được điều này, trước tiên cần hạn chế tình trạng găm giữ USD. "Cách hiệu quả để giảm tình trạng này là không phá giá nhiều, bởi không thể vừa phá giá mạnh tiền đồng, vừa kêu gọi người dân nắm giữ VND với lãi suất thấp", ông phân tích. Theo tính toán của ông, nếu năm 2016, USD chỉ tăng giá 2-3% so với VND, mặt bằng lãi suất có thể giảm 0,5%.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nỗ lực bằng nhiều cách để khiến người dân chán đôla, giống như những gì họ đã làm với vàng. Mới đây, cơ quan này cho biết từ năm 2016 sẽ điều chỉnh tỷ giá theo hướng lên xuống thường xuyên thay vì cố định trong một thời gian dài. Ngoài ra, những chính sách về ngoại tệ có thể sẽ chặt chẽ hơn nhằm giảm tâm lý găm giữ đôla của người dân - nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng mạnh thời gian qua.
Sau khi hạ lãi suất tiền gửi đôla về 0%, sắp tới, không loại trừ khả năng người dân có thể mất phí khi gửi tiết kiệm bằng USD.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, động thái tăng lãi suất huy động gần đây của nhiều ngân hàng cho thấy khả năng một chu kỳ chạy đua lãi suất mới sắp diễn ra. Do đó, lãi suất cho vay khó giảm. Không chỉ vậy, lợi tức trái phiếu - yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất ngân hàng của Việt Nam không giảm và thậm chí còn tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ.
Ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại Bộ Công Thương, cho rằng lãi suất hiện quá cao so với lạm phát. Tuy nhiên, việc kiểm soát được lạm phát thấp trong năm 2015 như hiện nay, đồng thời tăng trưởng GDP cao nhất kể từ năm 2008 nên được xem là một "thành tích lý tưởng".
Nhận định khó giảm lãi suất cũng được chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12 vừa qua. Cơ quan này nhận định mặc dù lạm phát thấp (tăng chưa đến 1%) nhưng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động như dầu, các mặt hàng thiết yếu của thế giới giảm giá... nếu loại bỏ các yếu tố kể trên, lạm phát năm qua khoảng 3% và phù hợp với mặt bằng lãi suất hiện tại để giữ ổn định lâu dài. “Cho nên dư địa giảm lãi suất rất khó. Nếu giảm xuống giờ thì có thể ngắn hạn ta được nhưng vỡ ổn định lâu dài”, Thống đốc cảnh báo.
Nguồn Vnexpress