Ngựa nước kiệu, trường đua nước rút?
Dưới sân, những chú ngựa đánh số đang tăng tốc thì ở trên khán đài, những “tuyệt phích” (người cá cược), cầm chặt tấm vé có đánh số và không ngừng hò reo... Đây là cảnh diễn ra ở trường đua ngựa Phú Thọ từng một thời lừng lẫy với 200 con ngựa đua chính hiệu. Giờ đây, hoạt cảnh đua ngựa có thể được tái diễn với cơn sốt đầu tư trường đua ngựa tại Việt Nam.
Nội đua với ngoại
Trong lúc các doanh nghiệp nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam xin giấy phép đầu tư khu phức hợp trường đua ngựa, ở trong nước, các doanh nghiệp nội cũng đang ráo riết triển khai những dự án trường đua ngựa với quy mô lớn. Trước hết là dự án xây trường đua ngựa của Công ty Đại Nam, khởi công vào tháng 7 vừa qua và sẽ khai trương vào cuối năm nay. Trong dự án này, Đại Nam sẽ dành khoảng 60 ha trong khuôn viên khu du lịch để xây dựng trường đua tổng hợp tầm cỡ quốc tế với khán đài lên tới 60.000 chỗ ngồi. Tổng vốn cho dự án trường đua này khoảng 100 triệu USD.
Dự án khu phức hợp trường đua ngựa, trung tâm giải trí tại Hà Nội của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng vừa được khởi động lại sau gần 10 năm cấp phép. Trước đó, dự án xây dựng khu phức hợp trung tâm thương mại vui chơi, giải trí trường đua ngựa... được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm. Dự án này được duyệt để xây dựng tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao tại Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD.
Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã - Madagui cũng đã đầu tư 1.002 tỉ đồng thành lập trường đua ngựa hiện đại trên diện tích gần 70 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến đến năm 2018, dự án sẽ được hoàn thành cơ bản và chính thức đưa vào hoạt động. Dự án này hướng đến một “sân chơi” về ngựa như đua ngựa, câu lạc bộ mã cầu, ngựa biểu diễn... có quy mô lớn nhất Việt Nam và nhằm thu hút du khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Động thái trên của các nhà đầu tư được cho là để đón đầu cơ hội trước việc Chính phủ chuẩn bị ban hành nghị định về kinh doanh đặt cược liên quan đến hoạt động đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Đua ngựa là môn thể thao khá lạ ở Việt Nam, nên có sức hấp dẫn mới mẻ và sẽ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng.
Chính vì sự hấp dẫn của thị trường này, những dự án trường đua ngựa của nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ bộ vào Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, ông Choi Hank Soo, Chủ tịch Tập đoàn Đua ngựa Hàn Quốc, đích thân sang thăm và làm việc tại Bắc Ninh nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng trường đua ngựa và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại huyện Thuận Thành, với vốn đầu tư giai đoạn đầu vào khoảng 500 triệu USD.
Chưa kể, một số dự án khác cũng đang triển khai âm thầm như Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kông) đang lên kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng. Giữa năm ngoái, Công ty Thể thao Việt - Úc cũng đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự án phức hợp và trường đua ngựa quốc tế, với quy mô 150 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 158 triệu USD... Tại Bình Phước, Tập đoàn Đầu tư Australia đã được chấp thuận mở một trường đua ngựa trị giá 100 triệu USD. Tỉnh Phú Yên cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trường đua ngựa Phú Yên cho Công ty Golden Turf Club Pty Ltd., có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, được triển khai trên diện tích hơn 134 ha, dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Sợ cá cược, lo đổi đất
Được đề xuất lần đầu từ năm 2005 với số vốn đầu tư là 570 triệu USD tại Vĩnh Phúc nhưng chưa được chấp thuận, dự án trường đua ngựa G.O MAX I&D tưởng như đã rơi vào quên lãng nhưng bất ngờ được nhà đầu tư tái khởi động với số vốn đầu tư tăng gấp 3 lần trong năm nay. Nhà đầu tư Hàn Quốc này còn đề xuất sẽ tự đầu tư xây dựng 70 điểm cá cược ngoài trường đua tại 54 tỉnh, thành. Sau 36 tháng xây dựng, tính từ ngày cấp phép, tổ hợp này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn doanh thu rất lớn là 972 triệu USD/năm.
Đua ngựa là môn thể thao khá lạ ở Việt Nam, nên có sức hấp dẫn mới mẻ và sẽ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng. Ảnh: thanhnien.vn |
Con số hấp dẫn là vậy nhưng do trường đua ngựa là ngành mới nên đa số doanh nghiệp Việt hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để triển khai dự án. Mặt khác, đây là một lĩnh vực nhạy cảm nên cơ quan quản lý cũng rất thận trọng.
Chính vì những lý do nói trên mà không ít dự án đầu tư trường đua ngựa tại Việt Nam vẫn nằm trên giấy hoặc bị bỏ hoang.
Chẳng hạn, đầu tháng 10, tỉnh Bình Phước đã quyết định chấm dứt hoạt động dự án Trường đua ngựa phức hợp quốc tế tại Khu giải trí Bình Phước trước thời hạn, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp năm 2010 cho Công ty Khu giải trí Bình Phước vì đến nay dự án vẫn “án binh bất động”. Mặc dù thời điểm tìm đến Bình Phước đầu tư, ông Michael Efron, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Australia tại Việt Nam, kiêm Giám đốc Công ty Khu giải trí Bình Phước, khẳng định Bình Phước có nhiều yếu tố thuận lợi để đầu tư phát triển trường đua ngựa. Dự án trường đua ngựa tại Lâm Đồng cũng phải bỏ hoang sau đầu tư ban đầu cho nhà xưởng, chuồng trại...
Chia sẻ với báo chí, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay chưa có dự án trường đua ngựa nào hoạt động. Ngoài những khó khăn trong xây dựng, khó khăn lớn khác là nghị định về kinh doanh đặt cược chưa được ban hành. Chưa có những ràng buộc pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư sẽ không triển khai được dự án.
Gần đây, Bộ Tài chính cho biết, sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định mỗi người chơi sẽ được đặt cược mức tối thiểu cho một lần đặt cược là 10.000 đồng và tối đa là 1 triệu đồng trong 1 ngày. Theo Bộ Tài chính, đưa ra mức cá cược thấp là để kiểm soát người chơi. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, mức đặt cược quá thấp sẽ không khuyến khích người có điều kiện tiền bạc tham gia, bởi họ sẽ vẫn tìm cách chơi bên ngoài. Như vậy sẽ không hạn chế được tình trạng cá cược ngoài xã hội, không hạn chế được chảy máu ngoại tệ.
Trao đổi với báo chí, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội, cho biết, nếu trường đua ngựa, đua chó hay đua xe công thức F1 chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí đơn thuần thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, thực tế nhiều nước cho thấy, các trường đua thường gắn liền với những hình thức cá cược, mà thực chất là đánh bạc. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định, chưa có hành lang pháp lý về hoạt động này.
Đua ngựa là một trong những môn thể thao lâu đời và được coi là môn thể thao của giới quý tộc. Ngày nay, kinh doanh trường đua và cá cược đã nở rộ ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh trường đua ngựa ở nhiều nơi đang trong giai đoạn khó khăn. Tại Mỹ, một báo cáo kiểm toán được công bố gần đây cho thấy Hiệp hội Đua ngựa New York đã lỗ 109 triệu USD trong 4 năm qua. Môn thể thao đua ngựa đã tụt xuống vị trí thứ 13 trong những môn được yêu thích ở Mỹ, so với vị trí thứ 8 năm 1985. Còn tại Macau, Công ty Đua ngựa Macau chưa hề biết tới lợi nhuận kể từ năm 2005 đến nay và năm ngoái, công ty này ghi nhận khoản lỗ tăng 72,7% so với năm 2014.
Vì vậy, theo một số đánh giá, trường đua ngựa được đầu tư còn nhắm tới các dự án bất động sản. Bởi thực tế, hầu hết các trường đua ngựa được đăng ký đều là những dự án đầu tư khu phức hợp bao gồm cả những sân golf, khu vui chơi giải trí. Thực tế, các hạng mục đi kèm trường đua ngựa tại Việt Nam là sân golf 72 lỗ, khu thể thao giải trí, câu lạc bộ cưỡi ngựa và polo, khu nhà ở và biệt thự... Vì thế, dù rất rốt ráo nhưng các dự án trường đua ngựa ở Việt Nam vẫn là những dấu hỏi lớn và dĩ nhiên dấu hỏi không phải trên lưng nài ngựa.
Thanh Hương