Nhiều tổ chức cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ còn đẩy mạnh trong năm nay. Ảnh: Quý Hoà
Ngóng tín dụng tăng
Dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2021 và vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhiều tổ chức cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ còn đẩy mạnh trong năm nay.
Nâng hạn mức tín dụng
Ngay sau động thái đồng thuận giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm phần trăm để hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 ở nhiều ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ ưu tiên nâng hạn mức tín dụng cho những tổ chức thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân. Tất nhiên, tiêu chí để được nâng “room” tín dụng không thiếu sự phân loại sức khỏe của ngân hàng, dựa vào năng lực tài chính, quản trị điều hành, tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, nhìn chung tăng trưởng tín dụng trong đợt này được nới thêm từ 2-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Theo tìm hiểu ban đầu, có khoảng chục ngân hàng được nâng hạn mức, nhưng con số tăng trưởng mới duyệt thấp hơn một chút so với con số đề xuất ban đầu của các ngân hàng.
Điều này cho thấy vẫn còn một “khoảng trống” tăng trưởng vào cuối năm, đồng thời thể hiện thái độ thận trọng từng bước của cơ quan quản lý. Theo SSI, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới ước khoảng 11%, cao hơn con số 9% theo hạn mức lần đầu. “Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay”, khối nghiên cứu của SSI đánh giá.
Trong những năm gần đây, hạn mức tín dụng của từng ngân hàng sẽ được cấp 2 lần mỗi năm. Đáng chú ý là đầu năm nay, nhiều ngân hàng cho biết hạn mức tín dụng chỉ cấp cho tới quý I. Cũng từ đó đến nay, có nhiều ý kiến đề xuất xem xét bỏ trần tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần phản bác và cho rằng việc áp trần lúc này là cần thiết.
Thực tế, nhiều ngân hàng đã “cạn” hạn mức tín dụng trong nửa đầu năm và đã đề xuất tăng từ sớm. Chẳng hạn, theo SSI, cuối tháng 5 vừa qua, 2 ngân hàng tư nhân lớn là VPBank đã chạm mức 10,5%, Techcombank chạm 11,5%.
Theo số liệu báo cáo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước khoảng 5,5% kể từ đầu năm và 14,1% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với con số năm ngoái lần lượt là 3,7% và 9,8%. “Số liệu này không phải do tín dụng tăng nóng mà mặt khác thể hiện nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng giúp gia tăng triển vọng nới hạn mức tín dụng”, SSI đánh giá.
Sẽ tiếp tục đẩy tín dụng
“Chúng tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quý IV để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tín dụng toàn ngành dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 12,5-13% năm 2021 và 14% năm 2022”, khối phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định.
Tương ứng theo mức tăng trưởng tín dụng đó thì tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5,5%. Đây là ước tính dựa trên kịch bản cơ sở rằng làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 được kiểm soát trong tháng 8, tỉ lệ tiêm chủng đạt 30% dân số (2 liều) vào cuối năm 2021.
Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay, nhưng lại bị vướng trần. Tăng trưởng tín dụng mạnh cũng đã góp phần đáng kể vào lợi nhuận 2 quý đầu năm, cùng với sự cải thiện hệ số NIM (biên lãi ròng), tăng trưởng thu nhập từ phí và chi phí hoạt động tăng vừa phải, tỉ lệ trích lập dự phòng ổn định.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm nay, nền kinh tế đối mặt với rủi ro từ dịch bệnh hơn nhiều so với năm ngoái. Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý III, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo đó, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 13,1%, giảm từ mức 14,7% trong đợt điều tra trước.
“Với việc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài, chắc chắn đà tăng trưởng trong quý III nói riêng và nửa sau năm 2021 đặt ra rất nhiều thách thức. Do đó, cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa lẫn tiền tệ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn hiện nay”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối và Thị trường vốn, HSBC Việt Nam, nhận định.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự kiến là 12% và giữ quan điểm “tăng trưởng kép”, linh hoạt và có thể điều chỉnh phù hợp tùy theo bối cảnh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng lo ngại nợ xấu tiềm tàng vì dịch bệnh và vấn đề lạm phát, mục tiêu kiểm soát của chính sách hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá rằng không thể chủ quan với áp lực lạm phát khi rủi ro gia tăng lạm phát trên thế giới ngày càng cao. Do đó, cơ quan này vẫn sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.
Tại Việt Nam, lạm phát cho đến nay được đánh giá là duy trì ở mức tương đối ổn định. Khối Nghiên cứu HSBC dự báo lạm phát trung bình vào khoảng 2,8% trong năm 2021, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tối đa 4% mà Quốc hội đề ra.
“Ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi sức ép chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra. Mặt khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm, hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh”, ông Khoa đánh giá.