Nghịch lý thừa lúa, thiếu ngô
Nhìn vào những con số thống kê về xuất khẩu gạo và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong 9 tháng đầu năm, ta thấy 2 bức tranh đối ngược. Xuất khẩu gạo giảm cả về khối lượng và giá trị, khi chỉ đạt 5,35 triệu tấn với 2,35 tỷ USD, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Giá gạo xuất khẩu cũng tiếp tục giảm, giá trung bình 8 tháng đầu năm 2013 đạt 438,55 USD/tấn, giảm 14,36 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ngược lại, nhập khẩu TACN lại tăng tới 39,2%, đạt 2,42 tỷ USD. Trong đó riêng lượng ngô nhập đã vượt 1,33 triệu tấn với giá trị 431 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Tổng khối lượng nhập khẩu đậu tương trong 9 tháng ước đạt 1,03 triệu tấn với 627 triệu USD về giá trị.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, năm 2012, để đạt sản lượng hơn 12,7 triệu tấn TACN công nghiệp cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu tới 8 triệu tấn nguyên liệu từ 63 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trị giá hơn 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu năng lượng như ngô, cám, lúa mì thiếu khoảng 30 - 40%, thức ăn giàu đạm như đỗ tương, bột xương thịt, bột cá thiếu khoảng 70 - 80%, riêng các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia thì phải nhập khẩu 100%.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, sở dĩ nước ta ngày càng phải nhập khẩu nhiều ngô, đậu tương một mặt do nhu cầu chăn nuôi trong nước tăng, một mặt do diện tích sản xuất ngô và đậu nành trong nước còn quá thấp, chưa kể năng suất, sản lượng còn nhiều hạn chế.
“Cả nước có hơn 1 triệu ha ngô, nhưng sản lượng chỉ đạt 4,5 triệu tấn/năm, trong đó chỉ có dưới 40% lượng này (tức khoảng 1,8 triệu tấn) được đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, còn lại, các doanh nghiệp vẫn nhập từ 1-1,8 triệu tấn ngô từ các nước khác để chế biến” - ông Lịch nhận định.
Giá TACN đắt hơn 20% so với nhiều nước
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, hiện giá các mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng tăng nhưng vẫn chỉ ở mức người chăn nuôi hoà vốn hoặc có lãi thấp, chưa đủ bù đắp cho thua lỗ một thời gian dài.
PGS - TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến chăn nuôi thua lỗ, trong đó nguyên nhân chính là do chúng ta chưa chủ động được nguồn TACN, còn phải phụ thuộc vào nhập khẩu rất nhiều. Hiện TACN chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản phẩm, trong khi đó, giá TACN từ đầu năm đến nay đã tăng giá 4 lần do tác động của thị trường thế giới. Hiện giá TACN của nước ta đắt hơn các nước trong khu vực từ 15 - 20%.
Nhiều hộ chăn nuôi gia súc không chịu được thua lỗ đã bỏ trống chuồng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do, từ năm 2010 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-40%. Điển hình như giá ngô từ 5.700 đồng/kg (năm 2010) đến nay đã lên trên 7.200 đồng/kg...
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay, nếu nuôi lợn theo quy mô công nghiệp, chỉ cần 2,2-2,5kg cám sẽ thu được 1kg thịt, nhưng nếu chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ phải mất 2,8-3kg cám mới thu được 1kg thịt. Như vậy, nếu chỉ tính giá cám hỗn hợp hiện tại là 10.500 đồng/kg, giá thành 1kg lợn hơi đã là 34.500 đồng/kg, cộng với chi phí giống 10%, chi phí thú y 5-7%, so với giá thịt bán ra thị trường khoảng 40.000 đồng/kg thì nông dân chưa có lãi.
Theo Cục Chăn nuôi, hầu hết các loại nguyên liệu sản xuất TACN hiện phải nhập khẩu như khô đậu tương, dầu thực vật, bột cá... Đây là những mặt hàng không phải thế mạnh của Việt Nam, thậm chí nếu có đầu tư sản xuất các nguyên liệu này thì nếu với sản lượng ít, giá thành còn cao hơn nhập khẩu. Do đó, muốn thay thế nguyên liệu nhập khẩu chỉ có đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô hoặc sử dụng nguyên liệu gạo thay thế ngô.
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ NNPTNT đã đặt ra mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 38% (năm 2015) và 42% (năm 2020) trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, đề án cũng đặt mục tiêu cần nâng sản lượng TACN từ 15,5 triệu tấn hiện nay đến năm 2020 đạt 27 triệu tấn. Với mục tiêu hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chăn nuôi thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh tự túc nguyên liệu sản xuất TACN, từng bước giảm nhập khẩu một số nguyên liệu chính như ngô, khô đậu tương...
Tuy nhiên, để chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất TACN, một số chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nghiên cứu công thức phối trộn thức ăn; khuyến khích tận dụng các phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi, tự sản xuất bột cá, các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia... Ngoài ra, để tăng sản lượng ngô, đậu tương cần sớm công nhận và đưa cây trồng biến đổi gen (công nghệ sinh học) vào sản xuất.
Nguồn Dân Việt