Nghịch lý ngân sách 'tôm hùm' tại Việt Nam
Trình bày trong tham luận diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24/11, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nêu vấn đề nghiêm trọng nhất của Việt Nam hiện nay là "cơ chế ngân sách tôm hùm", tức nhiều địa phương hay đơn vị muốn có những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng.
Thủ tướng mới đây đã chỉ thị dừng quy hoạch trung tâm hành chính cần vốn lớn. Ảnh: Hải Bình |
Những ví dụ được ông liệt kê là câu chuyện dự án tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên 400 tỷ đồng ở Quảng Nam, hay mới đây là Sơn La - một địa phương thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường đến 1.400 tỷ đồng. Công trình nhà bảo tàng mười mấy nghìn tỷ ở Hà Nội bỏ không nhưng đã lại triển khai kế hoạch xây dựng công trình khác hơn 11.000 tỷ đồng. Mới đây nhất nổi lên là việc các địa phương lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ.
"Liệu các mẹ có cảm thấy vui khi mình được tôn vinh theo cách tốn kém như vậy trong khi đất nước chưa thực sự khá giả và còn bao nhiêu nhu cầu cấp bách hơn? Mong mỏi hay hy sinh của những người có công với nước là vì một Việt Nam độc lập, hùng cường có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Muốn như vậy, các nguồn lực cần phải được cân nhắc chi li và sử dụng hiệu quả", tiến sĩ Du viết.
Ngay với việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung, ông phân tích lý do tiết kiệm chi phí đi lại, giao dịch là không hợp lý bởi một lượng rất lớn công chức vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, tiết kiệm thời gian của việc tập trung không có ích gì trong khi phải bỏ ra những nguồn lực khổng lồ và đập bỏ những công trình có thể sử dụng mấy chục năm nữa.
Bên cạnh đó, thời gian giao dịch của người dân, doanh nghiệp không phải ở việc đi lại mà là do cơ chế và cách giải quyết của những người xử lý hồ sơ, nếu họ cố tình dây dưa thì thủ tục lại càng lâu. Các cơ sở hành chính của địa phương cũng chỉ thường trong phạm vi khoảng 20 phút đi bằng xe máy hoặc ôtô, nên việc tiết kiệm thời gian giao dịch chưa chắc mang lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng cho nền kinh tế, nhất là ở các địa phương có các hoạt động kinh tế không sôi động.
Hệ quả của sự lãng phí này sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng và sắp tới sẽ phát hành trái phiếu. Tính toán cho thấy nếu lấy mức lãi suất 12% như ngân hàng Thế giới hay dùng thì chi phí mất đi của 1.000 tỷ một năm lên đến 120 tỷ đồng.
Trước đó trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công, tức quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được coi là một trong ba trụ cột chính. Đến nay, dù quy mô đầu tư công đã giảm từ mức đỉnh cao trên dưới 20% GDP giai đoạn 1999-2006 về còn khoảng 12% GDP năm 2014, nhưng các chuyên gia cho rằng nguồn vốn của Nhà nước vẫn còn bị sử dụng lãng phí và không hiệu quả.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định "càng nói về tái cơ cấu đầu tư công thì thấy càng tệ, không biết sau tượng đài, khu kinh tế hành chính tập trung sẽ còn xuất hiện thêm những công trình lãng phí như thế nào".
Vị này cho biết vốn đầu tư công vẫn tập trung vào tạo dựng cơ sở hạ tầng và trực tiếp sản xuất kinh doanh, trong khi nhóm ngành dịch vụ công lại chiếm tỷ trọng rất thấp. “Rất nhiều công trình công cộng không dùng vào việc gì hết, nhưng có nơi lại chật cứng. Ví dụ như chuẩn một lớp học 35-40 học sinh nhưng tôi thường nhìn thấy 50 học sinh, có nơi còn cho nghỉ luận phiên vì đông quá. Bệnh viện thì cực kỳ khủng khiếp”, ông Ánh nói.
Do vậy, ông khuyến nghị nên khống chế đầu tư công chiếm 10% GDP, trên cơ sở đó thực hiện cơ cấu lại theo nguyên tắc vốn Nhà nước chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hoặc không thể đầu tư, tránh đổ tiền lãng phí vào sản xuất kinh doanh, những điều mà thị trường cũng làm được.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng đề xuất phải thiết lập nguyên lý "ai ăn bánh người đó trả tiền" thay vì người này ăn người khác trả tiền. Việc phân bổ ngân sách cũng nên được thiết kế sao cho mỗi đầu mối nhận ngân sách có thể biết được các nguồn cũng như nhu cầu chi tiêu trong dài hạn, giảm thiểu các khoản phân chia.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân nên phải công khai cho biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào, đồng thời hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ và so sánh giữa các địa phương, từ đó có thể rút ra những kẽ hở trong quy trình đầu tư công và sàng lọc những người sử dụng vốn hiệu quả và không hiệu quả.
“Tái cơ cấu đầu tư công là một trong những vấn đề thách thức nhất của tái cơ cấu kinh tế, không chỉ nằm ở cách thức phân bố lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn mà phải hướng đến tăng trưởng xanh, tức chú trọng bảo vệ môi trường”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu.
Tại kỳ chất vấn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn các Bộ trưởng về số vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi dùng để xây dựng những công trình lớn nhưng sau đó trở thành "đống sắt rỉ" hay bỏ không. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là có thực và nghiêm trọng, song "rất khó" định lượng được con số chính xác ngay bởi đây là vấn đề lớn, bao quát nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vị trưởng ngành nhấn mạnh dù khó vẫn phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng này, vì có như vậy đất nước mới phát triển.
Liên quan đến việc các địa phương xây khu hành chính tập trung, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm các đề án đòi hỏi vốn lớn, giao cho Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá những trung tâm hành chính đã thực hiện, những mặt được và hạn chế, sau đó sẽ có văn bản chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện phù hợp với từng địa phương.
Nguồn Vnexpress