Nguồn ảnh: FT

 
Thái Bình Thứ Sáu | 17/04/2020 10:14

Nghịch lý giá vàng, giá dầu

Giá vàng vẫn tăng vọt, trong khi thị trường dầu thô ở mức đáy của 18 năm.

Giá vàng hôm nay (17.4) cao hơn 35,2% (451 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 250.000 đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng thế giới tăng vọt lên gần đỉnh 8 năm vừa xác lập trong tuần trước do sức cầu đối với mặt hàng này lớn bất chấp đại dịch COVID-19 khiến sức cầu còn chưa phản ánh đúng thực tế.

Thông tin kinh tế của Mỹ quan trọng trong tuần là báo cáo yêu cầu thất nghiệp hàng tuần vừa công bố với mức tăng 5,25 triệu - cao hơn mức dự kiến là 5 triệu​​. Đại dịch COVID-19 khiến hơn 20 triệu công nhân Mỹ mất việc làm cho đến thời điểm này. Và dữ liệu kinh tế của Mỹ trong vài tuần qua cho thấy mức độ thiệt hại đã gây ra cho các doanh nghiệp Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 đã giảm hơn 8%.

Vàng được đánh giá là tài sản cứu cánh cuối cùng và là nơi trú ẩn an toàn thời hậu đại dịch COVID-19 khi mà sự sụt giảm về kinh tế khiến các nước đồng loạt tung ra những gói kích thích tài chính lớn và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Theo dự báo Commerzbank, vàng sẽ lên 1.800 USD vào cuối năm nay.

Giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Nguồn ảnh: Goldprice
Giá vàng vẫn tiếp tục tăng. Nguồn ảnh: Goldprice

Trái ngược với giá vàng, thị trường dầu thô không thể duy trì đà tăng kể từ khi OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm mạnh sản lượng toàn cầu vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, vì một số quốc gia ở châu Âu đang xem xét nới lỏng việc phong tỏa có thể làm tăng nhu cầu nhiên liệu. WHO đã cảnh báo các nước cực kỳ thận trọng trước khi nới lỏng việc hạn chế.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng bất chấp các nhà máy lọc dầu hoạt động ở mức 69% tổng công suất, thấp nhất kể từ tháng 9.2008.

Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ, OPEC cho biết nhu cầu bị giảm dự kiến nhiều hơn so với mức cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày của tổ chức OPEC và các nhà sản xuất đồng minh gồm cả Nga.
 

Nhu cầu dầu thế giới được dự báo sẽ giảm kỷ lục trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia . Nguồn ảnh: pirceoil
Nhu cầu dầu thế giới được dự báo sẽ giảm kỷ lục trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia . Nguồn ảnh: pirceoil

Hy vọng cắt giảm thêm 10 triệu thùng/ngày nữa từ các nước khác gồm Mỹ, có thể khiến sản lượng giảm tổng cộng 20 triệu thùng/ngày, mặc dù một số nhà phân tích nghi ngờ về số liệu đó.

Sau khi kết thúc phiên giao dịch, Saudi Arabia và Nga trong một tuyên bố chung, cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi thị trường dầu và sẵn sàng thực hiện các biện pháp chung với các nước OPEC+ nếu cần thiết.

Nhu cầu dầu thế giới được dự báo sẽ giảm kỷ lục trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kết thúc phiên ngày 16.4, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 0,13 USD hay 0,5% lên 27,82 USD/thùng. Dầu WTI không đổi tại 19,87 USD/thùng, ngày thứ 2 liên tiếp đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2.2002.