
Ảnh: TTXVN
Nghịch lý đỉnh giá vàng
Giá vàng bùng nổ khi tăng gần 20% trong quý I/2025 và vượt ngưỡng 100 triệu đồng mỗi lượng tưởng chừng sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là cổ phiếu của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại chứng kiến đà giảm giá về vùng thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Nghịch lý này cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức không thật sự hưởng lợi khi giá vàng leo thang. Nguyên nhân là mô hình kinh doanh cốt lõi của PNJ tập trung vào mảng trang sức, thay vì kinh doanh vàng 24k. Khi giá vàng lập đỉnh, chi phí sản xuất tăng mạnh kéo giá bán lẻ tăng theo. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc chi tiêu cho vàng trang sức.
![]() |
Mặt khác, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng tiếp tục là vấn đề nan giải đối với cả doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức cũng như vàng miếng. Giá vàng leo thang trong bối cảnh Nhà nước siết chặt hoạt động kinh doanh vàng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung khi người dân hầu như chỉ mua vàng tích trữ. Trước xu hướng này, đại diện của Công ty Ancarat Việt Nam cho biết doanh thu từ kinh doanh vàng trang sức ước tính trong quý I/2025 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước, do thiếu vàng nguyên liệu.
Đại diện của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM (SJA) cũng từng than vãn rằng thiếu vàng nguyên liệu là một trong những lý do khiến không ít cửa hàng kinh doanh vàng phải đóng cửa trong thời gian gần đây.
Có thể thấy rõ hơn qua con số thống kê của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) và nghiên cứu từ Metals Focus: nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam dao động từ 15-20 tấn mỗi năm nên phải nhập khẩu vàng nguyên liệu tương ứng để đáp ứng nhu cầu này. Trong khi không được nhập khẩu hơn 10 năm qua, Việt Nam vẫn xuất khẩu một lượng không nhỏ sản phẩm vàng trang sức.
![]() |
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành cũng phản ánh khó khăn của việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu vàng. Xét về thị phần, trong các năm trước đây, SJC dẫn đầu về doanh thu. Tuy nhiên, vài năm gần đây, PNJ đã soán ngôi khi chuyển hướng mạnh sang vàng trang sức; SJC thì sụt giảm lợi nhuận do không còn lợi thế sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện. Do đó, SJC cũng chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này.
Một doanh nghiệp khác là Bảo Tín Minh Châu lại gây bất ngờ khi lợi nhuận rất thấp dù đây là thương hiệu vàng nổi tiếng ở miền Bắc. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Bảo Tín Minh Châu đạt 1.401 tỉ đồng, tăng 332 tỉ đồng, tương đương 31,1% so với năm 2022. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ đạt 4,5 tỉ đồng, tăng 400 triệu đồng, tương đương 9,8%.
Công ty Chứng khoán VDSC dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng miếng sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới. Điều này dẫn đến việc PNJ dự kiến doanh thu thuần năm 2025 giảm so với năm 2024 do doanh thu bán vàng miếng bị thu hẹp. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến, bao gồm tối ưu hóa sản xuất và thiết kế, ra mắt sản phẩm mới hiệu quả hơn và tiếp tục tập trung vào trang sức có biên lợi nhuận cao, hàm lượng vàng thấp hơn để giảm thiểu các thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu.
Ông Andrew Naylor, đứng đầu Bộ phận thị trường Trung Đông và Chính sách công của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho biết các thị trường lớn khác của châu Á cũng ghi nhận nhu cầu về đồ trang sức bằng vàng giảm. Người tiêu dùng đang chuyển sang đồ trang sức rẻ hơn. Chẳng hạn, tại thị trường vàng lớn nhất là Trung Quốc, khi giá vàng tăng, doanh thu từ trang sức vàng tại nước này giảm đến 24,69% so với năm trước đó.
Theo WGC, dù giá vàng đang ở đỉnh 14 năm nhưng Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ vàng với hơn 55 tấn trong năm 2024. Với cơ cấu dân số trẻ và đông, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ nữ trang tiềm năng cũng như đủ năng lực cạnh tranh trong khu vực.
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” gần đây, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, cho rằng ngành sản xuất vàng trang sức của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn dù có tiềm năng rất lớn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngành vàng trang sức, tránh việc gom chung vàng nguyên liệu và vàng miếng vào một nhóm. Cần tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm vàng trang sức, thu về ngoại tệ cho đất nước.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng góp ý cần phân rõ hạn ngạch nhập vàng miếng riêng, vàng nguyên liệu dành cho chế tác trang sức riêng. Nhà nước có thể kiểm soát tình hình nhập khẩu, kinh doanh vàng trang sức dựa trên doanh số kinh doanh ở cơ quan thuế. “Cần có biện pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và Nhà nước kiểm soát thị trường nội địa thông qua công cụ thuế, hải quan”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định.