Nghị quyết 02 dưới góc nhìn chính sách tiền tệ
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Chính phủ ban hành riêng một Nghị quyết số 02 để chỉ đạo các bộ, ban ngành. Theo phân công nhiệm vụ của Nghị quyết 02, NHNN là cơ quan có nhiều đầu việc nhất, trong đó có những việc chủ chốt, cần làm trước. Vậy đến nay, NHNN đã làm được những gì? ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng (ảnh), Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN.
Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ thị trường là một trong những nội dung trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết 02. Theo bà, những “điểm nóng” chính sách đã được tháo gỡ thời gian qua là gì?
Theo Nghị quyết 02, có 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho chính sách tiền tệ là tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp để tăng tín dụng và xử lý nợ xấu theo lộ trình Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Có thể nói, trong gần 5 tháng qua, NHNN đã triển khai các giải pháp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, từ 2 - 4%/năm, đã giúp DN và người dân giảm chi phí vay vốn. Hiện nay, đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, các DN có thể vay vốn với lãi suất ngắn hạn phổ biến từ 8 - 10%/năm, trung dài hạn từ 11 - 12%/năm, đối với khách hàng tốt chỉ từ 7 - 8%/năm. Với mặt bằng này, lãi suất cho vay đã trở về mức của giai đoạn 2005 - 2006. Đối với các khoản vay cũ, DN cũng được các ngân hàng giảm mạnh lãi suất, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đến này chỉ còn 12,9% so với tỷ trọng 65% vào tháng 7/2012; thời gian tới, lãi suất còn tiếp tục giảm nữa do từ đầu tháng 5, bốn NHTM nhà nước đã cam kết giảm về mức tối đa 13%/năm.
Thứ hai, NHNN đã thấy được nút thắt gây khó khăn cho DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, đó là nhiều DN không có khả năng trả nợ khi đầu ra khó khăn, không còn tài sản đảm bảo. Do đó, NHNN đã cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng theo tinh thần của Quyết định số 780/NHNN. Kể từ khi triển khai đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng trên 280.000 tỷ đồng, đây có thể nói là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với bối cảnh các DN gặp khó khăn, qua đó góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn của nhiều DN. Ngoài ra, NHNN đã tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố trong cả nước để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc. Tại các hội nghị, nhiều vướng mắc đã được giải quyết, nhiều ý kiến được ghi nhận và đang tiếp tục xử lý. Kết quả thực hiện cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2013, tín dụng tăng 2,11%, tuy thấp so với mục tiêu 12% của cả năm nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Thứ ba, về xử lý nợ xấu, ngay từ cuối năm 2012, NHNN đã chỉ đạo các TCTD sử dụng khoảng 69.200 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, trong 3 tháng đầu năm 2013 xử lý thêm khoảng 5.480 tỷ đồng. Với sự đi vào hoạt động của Công ty VAMC trong thời gian tới, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được triển khai nhanh hơn.
Ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho DN về lãi suất, tín dụng, xử lý nợ xấu, các giải pháp điều hành của NHNN thời gian qua đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tỷ giá và thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại hối Nhà nước được tăng cường, an toàn hệ thống được đảm bảo.
Nhưng tại sao lãi suất giảm mạnh như vậy mà tín dụng vẫn tăng thấp, thưa bà?
Nếu so với định hướng tăng trưởng 12% của cả năm thì mức tăng trưởng tín dụng 2,11% trong 4 tháng đầu năm là khá thấp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thì có sự cải thiện, vì 4 tháng đầu năm ngoái, tín dụng vẫn giảm 0,2%. Đáng chú ý là tín dụng đã tăng trưởng trở lại qua các tháng. Mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm mà tín dụng vẫn tăng trưởng thấp cho thấy vấn đề không còn là lãi suất nữa, mà do: Thứ nhất là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi tổng cầu yếu. DN không có đầu ra nên dù lãi suất giảm, nhu cầu vay vốn cũng không cao. Thứ hai, khả năng tiếp cận vốn hạn chế do nhiều DN không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn như tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, không còn tài sản bảo đảm. Trên thực tế, các DN đủ điều kiện vay vốn, có dự án khả thi thì tiếp cận vốn rất dễ dàng, và được vay với lãi suất khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Ba là, sự thận trọng của các TCTD trong cho vay trong điều kiện nợ xấu còn cao, DN khó khăn.
Từ nay tới cuối năm, tôi cho là, tín dụng sẽ gia tăng khi hệ thống ngân hàng triển khai tích cực Thông tư số 11 về cho vay hỗ trợ nhà ở và đưa VAMC vào hoạt động. Ngoài ra, các TCTD đang tích cực triển khai các dự án tín dụng đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến Tây Bắc và Tây Nguyên vừa qua với tổng trị giá khoảng 44.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, để thúc đẩy sự lưu thông trở lại của dòng vốn tín dụng, cần nhiều giải pháp từ các bộ, ban ngành khác, đó là: (1) Các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; (2) cơ cấu lại hoạt động của DN để nâng cao hiệu quả hoạt động, triển khai tích cực cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng của ngân sách đối với DN để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.
Liệu hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra để tháo gỡ khó khăn cho DN nữa hay không?
Thực tế cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng đã giảm rất mạnh trong thời gian qua. Theo số liệu của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, phân tích trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính của 36 ngân hàng thương mại trong nước, đến thời điểm cuối tháng 3/2013, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra đã trừ chi phí dự phòng rủi ro còn 1,93% (cuối năm 2012 khoảng 2,33%), tiếp tục giảm xuống và là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD sụt giảm mạnh, nhiều TCTD bị lỗ. Tôi cho rằng, nếu nợ xấu được xử lý, dòng vốn tín dụng khơi thông thì có khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Còn nếu không, với việc tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, nhiều TCTD có thể đối mặt với rủi ro lỗ, từ đó dẫn đến mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống và nền kinh tế.
Nợ xấu mặc dù đã được hệ thống ngân hàng xử lý tích cực nhưng vẫn còn ở mức cao. Theo bà, làm thế nào để có thể đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu?
Tôi cho rằng, câu chuyện nợ xấu không chỉ là vấn đề của ngân hàng mà là vấn đề của cả DN và cả nền kinh tế.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất cố gắng trong việc xử lý nợ xấu thông qua việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Nhưng để xử lý nợ xấu cũng phải cần có thời gian và cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ thị trường để tiêu thụ hàng tồn kho, tạo dòng tiền trong nền kinh tế, giải quyết tình trạng nợ đọng ngân sách...
Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, có thể huy động thêm các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư vào các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án lớn đang thi công dở dang, các dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ....
(Theo ĐTCK)