Thứ Ba | 14/08/2012 08:17

Nghi ngại 1.000 tỷ đồng tiền thuế đầu tư vào Vinaconex

Đầu năm 2012 vừa qua, SCIC đầu tư gần 1.100 tỷ đồng vào Vinaconex trong đợt tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Hơn 1.000 tỷ đồng đã được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đầu tư thêm vào Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã VCG) đầu năm 2012. Trong khi đại đa số doanh nghiệp đi vay các khoản nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, việc SCIC đầu tư 1.000 tỷ đồng từ tiền thuế của người dân vào Vinaconex thì bao giờ sẽ lấy lại vốn và số lời từ dòng tiền đầu tư đó là bao nhiêu?
 
SCIC đầu tư thêm 1.000 tỷ vào Vinaconex
 
Nguồn tin cho Pháp luật Việt Nam hay, cuối năm 2011, SCIC đã thống nhất việc đầu tư thêm vốn vào Vinaconex và đầu năm 2012, chính thức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng.

Nguồn tin của Pháp luật Việt Nam cho biết: “Đây là hoạt động đầu tư tăng vốn vào Vinaconex”. Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Vinaconex vào ngày 13/3/2012 cho thấy, doanh nghiệp này đã phát hành thành công hơn 141 triệu cổ phiếu trong tổng số 200 triệu cổ phiếu được phát hành trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Với hơn 141 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, Vinaconex đã có thêm hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo danh sách cổ đông lớn, sau khi phát hành cổ phiếu tại Vinaconex, thì SCIC đã nâng mức tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này lên đến 57,79%.

Với Vinaconex, mục đích phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để huy động vốn được xác định là bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư thực hiện một số dự án bất động sản và tái cơ cấu nợ vay, cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn, tăng quy mô hoạt động cho Tổng Công ty.

Lịch sử hoạt động của SCIC

Theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được công bố vào tháng 12/2009, thì SCIC đã chưa hạch toán lãi dự thu đến 31/12/2008 của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương gửi tại các tổ chức tín dụng 838 tỷ đồng do SCIC chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. SCIC cũng chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản nợ về cổ tức và tiền thu Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương. Tính đến 31/12/2008, trong tổng số 808 đơn vị có vốn đầu tư thì SCIC mới chỉ đối chiếu xác nhận công nợ với 530 đơn vị.

Ngoài ra, kiểm toán Nhà nước năm 2008 công bố mức lương của lãnh đạo doanh nghiệp này, với thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC thực tế gần 80 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo kiểm toán được công bố vào cuối năm 2009, Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines do kinh doanh thua lỗ nên đã được Bộ Tài chính giao SCIC tái cơ cấu lại. Báo cáo này cho biết năm 2008, Jetstar Pacific Airlines lỗ 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến 31/12/2008 âm 121 tỷ đồng.

Về quản lý xăng dầu, 2 Phó Tổng Giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 (Hedging), không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT, ban điều hành đã làm cho Công ty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009)

Nguồn Pháp luật Việt Nam


Sự kiện