Như Thọ Thứ Năm | 25/05/2017 08:00

Nghĩ lớn cho tài chính vi mô

Thị trường cho vay vi mô đã ở mức có thể chấp nhận lãi suất cao trên 20%/năm.

Năm 2009, với phần góp vốn của TPG Capital, Bank Tabungan Pensiunan (BTPN), đã mua lại các tổ chức tài chính vi mô nhỏ lẻ tại Indonesia. Đến cuối năm 2010, các khoản vay vi mô của BTPN đem lại biên lãi suất gộp là 14%, góp phần đẩy ROA của BTPN đạt 4% (ROA ngành ngân hàng Việt Nam năm 2010 vào khoảng 0,5%). Gần đây, Dragon Capital cũng đã hợp tác với Tập đoàn Loi Hein (Myanmar) để thành lập công ty tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho những người nghèo, những người chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính ở Myanmar. Tài chính vi mô tại Indonesia và Myanmar thu hút đầu tư như vậy, còn Việt Nam thì sao?

Thị trường hấp dẫn

Giáo sư kinh tế Muhammad Yunus, người được trao giải Nobel Hòa bình với sáng kiến ngân hàng phục vụ người nghèo ở Bangladesh, khẳng định: Số tiền rất nhỏ cũng có thể giúp người dân nghèo thực hiện một vài hoạt động sinh lợi và nhiều trường hợp như vậy đã thoát khỏi đói nghèo. Đa số người nghèo Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. Tổ chức tài chính vi mô cung cấp sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế...

Jerry Ng, CEO của BTPN, phát biểu tại buổi phỏng vấn với Tạp chí Yale năm 2016: “Chúng tôi mong rằng một ngày nào đó có thể áp dụng mô hình kinh doanh của BTPN cho các thị trường có dân số cao khác. Hiển nhiên nhất là những nước như Việt Nam, hoặc Myanmar”.

Nghi lon cho tai chinh vi mo
 

Theo báo cáo Mức độ tiếp cận tài chính của World Bank, năm 2014, chỉ 31% dân số trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam có tài khoản ở các tổ chức tài chính, so với mức trung bình toàn thế giới là 62%. Tỉ lệ dân số trưởng thành có các khoản vay hoặc tiết kiệm cũng chỉ đạt trên dưới 15%. Nông thôn có tỉ lệ thấp hơn thành thị và nhóm có thu nhập thấp có tỉ lệ thấp hơn nhóm có thu nhập cao. Gần đây, World Bank nghiên cứu và công bố trên trang Global Findex - cơ sở dữ liệu tài chính toàn cầu, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn.

Thị trường tài chính vi mô được chia sẻ bởi các ngân hàng chính sách nhà nước, tổ chức tài chính vi mô (MFI) và một phần bởi tổ chức tín dụng tiêu dùng. Trong đó, các ngân hàng chính sách có thị phần cao nhất, cụ thể là Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Các tổ chức tín dụng tiêu dùng, mặc dù không chính thức tham gia vào tài chính vi mô và cũng không nhắm vào đối tượng người thu nhập thấp hay cư dân nông thôn, cũng tham gia vào thị trường với các khoản vay tín chấp giá trị thấp. Đến nay, Việt Nam mới có 5 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép, trong khi có tới hơn 12.000 xã, khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân. Chỉ riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hết năm 2015, có gần 11.000 điểm giao dịch xã, huy động hơn 140.000 tỉ đồng để cho vay với tổng dư nợ đạt khoảng 134.000 tỉ đồng. Agribank với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước đã cho vay với tổng số trên 3 triệu khách hàng vay vốn nhỏ và 5 triệu khách hàng gửi tiết kiệm vi mô...

Mặc dù có sự nỗ lực lớn của ngân hàng chính sách và các MFI, nhu cầu của thị trường vẫn chưa được đáp ứng đủ. Bằng chứng là dư nợ cho vay vi mô tăng mạnh qua các năm, và lãi suất cho vay cao nhất lên đến khoảng 20-35%/năm trong khi nợ xấu ở mức thấp, dưới 1%, theo báo cáo của Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam. Trong khi đó, tín dụng đen và các hình thức tiết kiệm xoay vòng như “hụi” vẫn rất phổ biến ở vùng nông thôn.

Thay đổi tư duy

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Quỹ trợ vốn cho Người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), một trong những khó khăn lớn nhất của quỹ là nguồn vốn. Nguồn vốn hiện nay của Quỹ đến từ Liên đoàn Lao động các tỉnh, sự tài trợ của các tổ chức tài chính, quỹ từ thiện trên thế giới theo các chương trình phát triển tài chính vi mô. Đặc tính của các nguồn vốn này tuy có lãi suất thấp nhưng không được ổn định và không dồi dào, nhất là khi so sánh với nhu cầu vay vốn của khách hàng CEP. CEP không thể đi vay các ngân hàng thương mại vì lãi suất cho vay cao, không thể đảm bảo bền vững tài chính. Do tính chất của các khoản vay vi mô giá trị nhỏ, rủi ro cao cần quản lý, theo dõi thường xuyên mà khách hàng lại ở vùng sâu, vùng xa, nên chi phí hoạt động của CEP cũng rất lớn.

Nghi lon cho tai chinh vi mo
 

Không chỉ có CEP dựa trên nguồn vốn vay giá rẻ, vốn tài trợ, mà hầu hết các MFI khác như Quỹ Tình thương (từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), M7 (từ Hội Phụ nữ các tỉnh phía Bắc), Dariu (phi chính phủ Đan Mạch)... đều như vậy. VBSP và Agribank được Nhà nước tài trợ trực tiếp nguồn vốn nằm trong khuôn khổ các chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nền tài chính vi mô. Mặc dù mang nặng tính từ thiện, chính sách nhưng CEP và các MFI khác vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận cao và mở thêm chi nhánh ở khắp nơi. Nói cách khác, các MFI đã đạt được bền vững về tài chính. Vì sao vậy?

Các MFI, nhằm đảm bảo khả năng bền vững tài chính, cung cấp các khoản vay lãi suất theo dư nợ giảm dần khá cao so với mức vay tiêu dùng, vào khoảng 20-30%/năm. Cụ thể, với hình thức trả cả gốc lẫn lãi hằng tuần thì lãi suất thực tế phải chịu của người vay Quỹ Tình thương (TYM) lên đến 22,18%/năm, còn lãi suất Quỹ CEP cũng tương tự ở mức gần 20%/năm. Ngoài ra, các tổ chức cho vay tiêu dùng tư nhân như FECredit và HomeCredit cũng thực hiện cho vay tín chấp các khoản vay vi mô tùy theo hợp đồng mà lãi suất lên đến trên 30%/năm.

Mặt khác, VBSP cho vay với mức lãi suất 6-8%/năm cho hộ nghèo và cận nghèo. Với mức lãi suất thấp này, VBSP dễ dàng chiếm lĩnh phần lớn thị trường, nhưng lại không thể duy trì bền vững tài chính mà phải thường xuyên nhận tài trợ vốn từ Nhà nước.

Dù lãi suất cho vay cao nhưng dư nợ của Quỹ CEP, Quỹ TYM và các MFI liên tục tăng trưởng 2 con số trong khi tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%. Điều này chứng tỏ chênh lệch cung cầu thị trường cho vay vi mô đã ở mức có thể chấp nhận lãi suất cao trên 20%/năm. Người nghèo vay vốn đầu tư tạo việc làm cho bản thân vẫn có thể chi trả mức lãi suất cao và tái vay có nghĩa giá trị đồng vốn mang lại đối với người nghèo là rất lớn.

Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam, cho biết một trong những thách thức lớn của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đối tượng người thu nhập trung bình, thấp là nhận thức xã hội còn chưa cao. Trong khi đó, khung pháp lý vẫn mang dáng dấp điều hành ngân hàng thương mại mà chưa có điều khoản, nguyên tắc đặc thù dành cho các tổ chức tài chính vi mô.

Một số ý kiến của các báo cho rằng lãi suất của Quỹ TYM, CEP, các MFI và các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng là quá cao, kêu gọi cần xem xét và siết chặt quản lý để tránh “cho vay như tín dụng đen”. Tuy nhiên, miễn sao người đi vay hiểu rõ được lãi suất cao, vẫn có nhu cầu vay và đến cuối cùng có khả năng trả lãi thì lãi suất đó là chấp nhận được. Phục vụ người có thu nhập thấp, cư dân nông thôn tiềm tàng rủi ro lớn, chi phí phục vụ, nhân lực cho một đồng vốn vay là rất cao, so với các khoản vay lớn của ngân hàng thương mại, do đó chỉ có lợi nhuận cao mới có thể duy trì bền vững tài chính. Lãi suất cho vay cao là mối quan hệ “win-win”, người cho vay và các tổ chức tài chính vi mô đều có lợi.

Vì tâm lý tài chính vi mô là để xóa đói giảm nghèo, ngân hàng chính sách áp dụng lãi suất thấp một cách không hợp lý dẫn đến các ngân hàng này không đạt được bền vững cho hoạt động tài chính vi mô, nguồn vốn mất dần. Lãi suất thấp và cơ chế pháp lý chưa hoàn thiện cũng ngăn khu vực tư nhân đầu tư vào mảng này hoặc có tham gia nhưng ở một hình thức khác. Chỉ khi thay đổi tư duy, nhìn nhận đúng bản chất của tài chính vi mô, hoàn thiện luật pháp chính sách để quản lý phù hợp, không gây khó khăn, thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo mới có thể thực hiện được.

Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn cũng giúp thị trường tài chính vi mô có sự cạnh tranh lành mạnh, từ đó hạ thấp lãi vay và khuyến khích hoạt động hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ khách hàng tốt hơn. Một khi độ phủ của các tổ chức tài chính vi mô được mở rộng, người dân được tiếp cận với nhiều sản phẩm tài chính, tín dụng đen sẽ không còn chỗ để hoạt động.

Như Thọ