Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có gì mới?
Trao đổi với báo giới, Thứ trướng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84) về kinh doanh xăng dầu có nhiều điểm mới.
Đầu tiên có thể nói đến việc điều hành giá xăng dầu, Dự thảo quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/lần thay vì 10 ngày/lần như Nghị định 84; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày như cách tính cũ. Theo Thứ trưởng Tú, điều này sẽ tăng cường tính cạnh tranh giá giữa các thương nhân, đồng thời bảo đảm giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới.
Về biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, Dự thảo Nghị định quy định, khi giá cơ sở tăng dưới 3% doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá; tăng từ 3-7% doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bình ổn và được tăng hoặc giảm giá bán lẻ; tăng từ 7% trở lên sẽ do Chính phủ quyết định thay vì các biên độ từ 7% trở xuống, trên 7-12%, trên 12% như Nghị định 84.
Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng cho phép thương nhân thực hiện giảm giá bán lẻ ngay khi giá cơ sở giảm, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm.
Giải thích thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Tú cho biết, nếu như vẫn áp dụng biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định 84 quy về con số tuyệt đối sẽ rất lớn. Ví dụ, giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay là 23.746 đồng/lít, ứng với mức 7% là xấp xỉ 1.700 đồng/lít, với mức 12% là khoảng trên 2.800 đồng/lít…
"Nếu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo các biên độ này, mức điều chỉnh sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Nhưng nếu áp dụng biên độ quy định tại Dự thảo Nghị định là 3%, tương ứng khoảng trên 700 đồng/lít sẽ ít tác động tới tâm lý người tiêu dùng hơn", ông Tú khẳng định.
Bên cạnh đó, mặc dù Dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp chủ động điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong biên độ từ 3% trở xuống, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp được tăng giá tùy ý. Doanh nghiệp tăng giá phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, biên độ mà Nhà nước quy định, không được điều chỉnh cao hơn mức giá cơ sở mà Nhà nước công bố…
Liên quan tới vấn đề công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Nghị định 84 chưa quy định chế độ công khai, minh bạch thông tin về giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, báo cáo tài chính của doanh nghiệp… dẫn đến việc người dân khó nắm bắt được thông tin về điều hành giá và ít đồng thuận với việc điều hành giá.
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định quy định riêng Điều 39 về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Theo đó, quy định liên Bộ Công Thương-Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định.
Cụ thể, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, số trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo hằng quý…
Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố thông tin về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp, công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính của doanh nghiệp khi đã được kiểm toán...
Nguồn Thời báo Ngân hàng