Thứ Tư | 20/11/2013 23:27

Nghị định mới đảm bảo cho NHNN hội nhập quốc tế

Nghị định 156/NĐ-CP cũng quy định quyền hạn của NHNN trong xử lý các ngân hàng yếu kém và trong trường hợp hệ thống ngân hàng gặp rủi ro.

Ngày 11/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2013, thay thế Nghị định 96/NĐ-CP.

So với Nghị định 96/2008/NĐ-CP, Nghị định 156/2013/NĐ-CP có một số điểm mới là đổi tên Vụ Tín dụng thành Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và đổi tên Trung tâm Thông tin tín dụng thành Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam; thành lập thêm 01 vụ là Vụ Ổn định tiền tệ-tài chính.

Mục tiêu ban hành Nghị định 156/2013/NĐ-CP là điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đảm bảo cho NHNN hoạt động theo đúng nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Từtrước đến nay, NHNN vẫn là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được khẳng định ngay từ năm 1990, khi hệ thống ngân hàng một cấp tại Việt Nam tách bạch thành hệ thống ngân hàng hai cấp theo Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 24/5/1990.

Theo Pháp lệnh này, NHNN có các vụ, cục, viện làm chức năng tham mưu về quản lý và các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu đổi mới trong từng thời kỳ, Pháp lệnh Ngân hàng 1990 được điều chỉnh và thay thế bằng Luật NHNN ngày 12/12/1997 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1998) và Luật NHNN ngày 16/6/2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2011).

Những thay đổi tại Việt Nam làyêu cầu tất yếu theo xu hướng phát triển đi lên của xã hội, cũng như tại các nước trên thế giới. Rõ rệt nhất là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi hàng loạt quốc gia đã tiến hành quốc hữu hóa một phần hay toàn bộ Ngân hàng Trung ương theo hướng kế thừa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương trước đó và những cơ quan hỗ trợ Ngân hàng Trung ương trong việc quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng.

Mục tiêu đổi mới là đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước, có khả năng chống đỡ rủi ro trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là khủng hoảng tài chính. Nhìn chung, dù Nhà nước sở hữu 100% hay một phần Ngân hàng Trung ương như trường hợp Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước phát triển khác, nhưng các Ngân hàng Trung ương đều có vị thế tương tự nhau, bao gồm: Là ngân hàng của Chính phủ; là ngân hàng của các ngân hàng; là cơ quan tối cao về giám sát hoạt động ngân hàng; là cơ quan tối cao về các vấn đề chính sách tiền tệ; và là ngân hàng phát hành tiền.

Vềtên gọi, một sốNgân hàng Trung ương cótên gọi làNgân hàng Nhà nước (Ngân hàng Quốc gia hoặc tương tự) như NHNN Việt Nam, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB), Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP); một số có tên là Ngân hàng như Ngân hàng Anh (BoE), Ngân hàng Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Hàn Quốc (BoK); một số nước có tên là Ngân hàng Dự trữ như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), v.v...

Thời gian qua, với nhiệm vụ là một NHTW, NHNN đã thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ; ban hành các văn bản pháp quy về lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, về cơ chế hoạt động ngân hàng; cấp phép và thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD; phát hành tiền; tổ chức hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thực hiện việc tái cơ cấu các TCTD có hiệu quả; đảm bảo an toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam trước các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ....Nhờ đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong những năm vừa qua.

Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam


Sự kiện