Nghị định cá tra cần thông tư hướng dẫn
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị lùi thời gian thực hiện nghị định 36 về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đến 1.7.2015 thay vì có hiệu lực từ 20.6 tới đây.
Dự thảo nghị định cá tra có đến 5 năm đưa ra lấy ý kiến, tại sao vừa mới ban hành lại phải xin lùi thời gian thực hiện. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep về vấn đề này.
Điều đầu tiên, ông Minh khẳng định: việc Chính phủ ban hành Nghị định về con cá tra là hoàn toàn đúng và kịp thời. Nghị định ra đời nhằm giúp chấn chỉnh, quy hoạch, giúp ngành cá tra đi vào nề nếp, phát triển bền vững. Tuy nhiên, do việc ban hành, thực hiện trong thời gian gấp rút, có những điểm trong nghị định cần được Bộ Nông nghiệp ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Vì vậy, Vasep phải kiến nghị lùi thời gian thực hiện.
Thưa ông, tại sao Nghị định vừa ban hành đã có nhiều ý kiến không đồng tình?
Quả thật, có những mục trong nghị định còn mang tính chất chồng chéo và không cần thiết. Cụ thể là mục đăng ký xuất khẩu cá qua Hiệp hội cá tra. Ở đây, Hiệp hội này nêu mục đích đăng ký là tập hợp sản lượng cá tra xuất khẩu hàng tháng, hàng quý. Tôi cho rằng sẽ bị trùng lắp với số liệu thống kê của Hải quan, vì cơ quan này đang thống kế sản lượng xuất khẩu các mặt hàng, trong đó có cá tra. Nếu yêu cầu đăng ký nữa sẽ phát sinh thêm thủ tục, gây cản trở xuất khẩu.
Hiện nay, để có 1 đồng đô la xuất khẩu cá tra về cho nhà nước, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chất lượng của Nafiquad, mất từ 7-10 ngày, sau đó có kết quả doanh nghiệp phải chạy đi đăng ký lô hàng xuất khẩu cho Hiệp hội cá tra để xác nhận rồi mới đi lấy chứng nhận xuất xứ (CO) và đăng ký tàu, containe. Như vậy là riêng thời gian đăng ký để xuất khẩu được một lô hàng đã mất trên 10 ngày, giờ cộng thêm thủ tục đăng ký này nữa thì chậm nhất mất thêm 3 ngày, kéo dài thêm thời gian.
Ngoài ra, một điều bất cập nữa khi thực hiện quy định này là trong khi văn phòng Hiệp hội cá tra đặt tại Cần Thơ, còn doanh nghiệp xuất khẩu lại nằm rải rác ở các tỉnh ĐBSCL. Ngay cả cảng xuất khẩu thì riêng ở TP. HCM cũng có 4 cảng xuất rồi. Vậy thì nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký nữa để làm gì? Có phải là thừa không?
Vấn đề thứ hai là về quy định vùng nuôi. Mặc dù nghị định có hiệu lực từ 20.6, nhưng áp dụng từ 31.12.2015, tất cả vùng nuôi phải đạt tiêu chuẩn VietGap, ASC, GlobGap…Quy định này chỉ phù hợp với những vùng nuôi của các doanh nghiệp có đầu tư lớn, còn doanh nghiệp nhỏ, nhất là nông dân không có khả năng tài chính mà đưa quy định này vô chỉ làm tăng thêm chi phí vì thực tế họ không có nhu cầu và nhiều thị trường cũng không đòi hỏi có chứng chỉ như vậy.
Thứ ba là về vấn đề độ ẩm. Tôi cho rằng xu hướng nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu là đúng. Nghị định 36 quy định 83% là đúng, nhưng hiện nay tỷ lệ này đang lưu hành là 86%, vậy thì việc này cần phải giải quyết như thế nào?
Tôi nghĩ chúng ta phải khắc phục được hạn chế cái cũ trước, sau đó hãy đưa ra định hướng cái mới và cần có khảo sát sản lượng của từng doanh nghiệp cũng như thời gian áp dụng quy định độ ẩm 83%.
Mặt khác, khi chúng ta nâng chất lượng cá tra lên thì phải khảo sát xem có phù hợp với thị trường tiêu thụ không? Nâng chất lượng lên đồng nghĩa với việc phải tăng giá bán, nhưng con cá tra Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh rất lớn từ một số loài thủy sản như con cá Alaska bollock chẳng hạn. Sản lượng đánh bắt loài cá này hàng năm từ Mỹ, Nga đều đang tăng nhanh chóng. Thành ra, giá của loài thủy sản này cạnh tranh không chỉ với cá tra Việt Nam mà ngay cả cá biển làm surami.
Năm 2008-2009, khi Nga và Mỹ cấm đánh bắt nhằm giảm sản lượng cá Alaska bollock, thì giá surami lên tới 3 USD/kg, sản lượng cá Alaska bollock có 3,5 triệu tấn/năm. Nhưng thời gian gần đây, nhất là từ 2012 đến nay, sản lượng cá Alaska bollaclk tăng từ 7 triệu tấn ở mỗi quốc gia lên 14 riệu tấn nên giá surami còn 1,8 USD/kg. Điều này khiến nhu cầu xuất khẩu cá tra giảm từ 100.000 tấn/năm xuống còn 20.000-30.000 tấn tại thị trường Nga do Nga đã xuất khẩu cá Alaska bolllack.
Do đó, cá tra Việt Nam bán sang Nga chỉ dành cho người có mức thu nhập trung bình, còn thu nhập thấp thì họ ăn cá nội địa. Giá cá tra bán tại Nga còn 80 rup/kg, trong khi alaskabollack là 45 rup.
Dự thảo nghị định cá tra đưa ra lấy ý kiến từ 2009. Sau chừng ấy năm tại sao doanh nghiệp không thể hiện quan điểm của mình mà để đến nay khi ban hành mới nêu bức xúc thưa ông?
Tôi khẳng định là cho tới giờ này các doanh nghiệp chưa đồng tình, dự thảo chưa có phần tham gia góp ý của doanh nghiệp và các địa phương. Trong những lần lấy ý kiến, doanh nghiệp cũng nêu lên những bất cập và đề nghị sữa đổi, nhưng tiếc rằng người chắp bút đã không đưa vào. Ngoài bức xúc của doanh nghiệp còn có các địa phương, nhất là lãnh đạo hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp vì đây là hai địa phương có sản lượng cá tra lớn nhất. Như vậy rõ ràng là nghị định chưa sát với thực tế.
Rõ ràng nghị định không phải là “cây đũa thần” để giải quyết hết những yếu kém nội tại của ngành cá tra. Theo ông để ngành này phát triển bền vững, chúng ta phải làm thêm những điều gì?
Ngành cá tra tại sao trong những năm vừa qua lúc thăng, lúc trầm, nguyên nhân từ đâu? Tôi cho rằng có mất vấn đề sau.
Một là vấn đề quy hoạch nuôi trồng và định hướng thị trường không có, dẫn đến lúc thừa lúc thiếu xảy ra liên tục. Lúc thiếu thì giá cá có thể là 25.000 đồng/kg, nhưng thừa thì còn 19.000 đồng. Yếu tố thừa thiếu còn do mùa vụ tiêu thụ và nuôi trồng cá tra đang có sự lệch pha. Trong khi chính vụ nuôi trồng ở Việt Nam bát đầu từ tháng 3 đến tháng 9, còn tiêu thụ ở nước ngoài lại diễn ra từ tháng 10 đến tháng 3. Khi bị áp lực thừa thì nông dân phải bán đổ bán tháo.
Thứ hai là sản lượng nuôi trồng của doanh nghiệp hiện nay đã lên đến 70%, nông dân chỉ còn nắm có 30%. Điều này chắc chắn là nông dân sẽ bị thiệt hại vì doanh nghiệp đã tự nuôi thì chỉ khi nào thiếu cá họ mới tham gia thị trường. Như vậy thì 30% sản lượng cá còn lại ai là người giải quyết? Doanh nghiệp không thể nào làm được, nên chúng ta phải có hình thức liên kết đầu tư tiêu thụ sản phẩm có sự tham gia của ngân hàng.
Mô hình này được tỉnh An Giang làm thí điểm. Tôi cho mô hình này là phù hợp vì ngân hàng đầu tư vốn dài hạn hai năm với lãi vay không quá 10%/năm, sẽ tự điều tiết cung cầu, không gây áp lực phải bán ra để thanh toán nợ vay. Cách làm này sẽ giảm bớt áp lực cho người nuôi khi thị trường tiêu thụ chậm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không giảm giá thu mua. Tôi nghĩ Chính phủ hỗ trợ ngành nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp cùng ngân hàng nhà nước có chính sách hợp lý đầu tư cho nông dân trong chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra như tỉnh An Giang đang làm.
Xin cảm ơn ông!
“Hiện nay độ ẩm cá tra phụ thuộc vào chất lượng nuôi trồng. Nuôi bằng thức ăn công nghiệp có độ ẩm khác, nuôi thức ăn tự chế cho ra độ ẩm khác, rồi chất lượng thức ăn của từng nhà máy cung cấp cho người nuôi cũng cho ra độ ẩm khác nhau. Trước khi đưa quy định độ ẩm 83% vào, chúng ta phải xây dựng được hệ thống chất lượng cá tra đồng đều. Còn đang thả nổi nuôi trồng mà quản lý chế biến là không phù hợp.Thà rằng, không cho quay tăng trọng, lấy độ ẩm nguyên thủy của con cá ở mức 81% hơn là quy chung chung 83%. Hơn nữa, khi quy định độ ẩm 83% thì ai là người quản lý tỷ lệ này? Điều khoản quy định giá sàn mua cho người dân cũng khó thực hiện vì nếu thị trường không chấp nhận thì ai là người đứng ra giải quyết?” -ông Dương Ngọc Minh |
Nguồn Trí Thức Trẻ