Thứ Tư | 12/06/2013 08:51

Nghị định 24: Mục tiêu và tham vọng

Với Nghị định 24, Chính phủ muốn đạt nhiều mục tiêu, có thể nói là rất tham vọng.
Đã đến thời điểm các ngân hàng thương mại phải tất toán 30 tấn vàng. Nhìn lại, Nghị định 24/NĐ-CP được ban hành vào thời điểm thế giới có những cơn chấn động giá vàng, lại gặp bối cảnh trong nước bất ổn về kinh tế, lạm phát cao. Với Nghị định 24, Chính phủ muốn đạt nhiều mục tiêu, có thể nói là rất tham vọng.

Mục tiêu thứ nhất, ổn định thị trường vàng. Nhiều người giải thích chưa chuẩn, nói ổn định là ổn định cung - cầu, không ổn định giá. Thực tế, ổn định thị trường vàng trong nước, về bản chất là nhằm mục đích không để mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới dao động quá lớn.

Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế buôn lậu và đầu cơ quá mức, qua đó tránh được sự náo loạn của thị trường. Ổn định phải đạt được cả hai điều: độ sát và biến động của cái sát ấy là nhỏ, nhưng cho đến nay điều này mới chỉ hy vọng có thể sẽ dần đạt được.

Mục tiêu thứ hai, "chơi" như thế song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại không được làm dự trữ ngoại hối mỏng đi, bởi vàng là một phần của dự trữ ngoại hối quốc gia (tương tự như yêu cầu về thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước là phải bảo toàn vốn). Đó là một lý do mà vừa qua NHNN kéo "giá” từ từ, bán cao hơn mua.

Mục tiêu thứ ba, sự can thiệp vào thị trường vàng của NHNN với tư cách là người "mua bán cuối cùng", không được ảnh hưởng nhiều đến thị trường ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Cán cân thanh toán quốc tế là tiền ra, tiền vào đất nước. NHNN nhập vàng bằng ngoại tệ nhưng khi bán (như đấu thầu vừa qua), chỉ thu tiền đồng.

Hơn nữa, tiền đồng không nằm trong dự trữ ngoại hối. Như vậy, phải tính đến "sự cân bằng" của cán cân thanh toán quốc tế, tỷ giá cũng như việc cân đối lại dòng ngoại tệ và vàng cho dự trữ ngoại hối.

Mục tiêu thứ tư, gắn với các hoạt động trên, là phải kiểm soát được cung tiền. Điều này đòi hỏi NHNN phải phối hợp nhịp nhàng nhiều công cụ liên quan đến nhập - xuất, mua - bán vàng, mua - bán ngoại tệ.

Về bản chất, Nghị định 24 nhìn vàng dưới hai dạng, thực tế khó tách bạch 100% và ít nhiều có khoảng giao thoa với nhau, đó là "vàng tiền" và vàng trang sức.

Thứ nhất, vàng tiền (vàng SJC, vàng miếng) vì rất gần tiền hay không khác tiền mấy, nên Nhà nước độc quyền sản xuất, nhưng không độc quyền kinh doanh (cái nhãn SJC cho vàng miếng NHNN sản xuất dễ gây nhầm lẫn rằng Nhà nước độc quyền kinh doanh).

Nghị định 24 vẫn cho lưu thông vàng miếng, vẫn có quyền mua bán vàng miếng trên thị trường. Nghị định này chỉ hạn chế hơn việc gia nhập thị trường kinh doanh vàng miếng, gắn với một số điều kiện kinh doanh, như vốn phải có 300 tỷ đồng. Trước kia có hơn 20.000 điểm giao dịch thì bây giờ là 2.000 - 3.000 điểm giao dịch.

Thứ hai, vàng trang sức "gần hơn" với hàng hóa thông thường nên cho phép tự do kinh doanh, Nhà nước về cơ bản chỉ kiểm soát, giám sát chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ, nói vàng 90% là phải đúng 90%.

Về nguyên tắc, NHNN phải có đủ số công cụ chính sách cần thiết, nếu không sẽ rất khó đạt được những mục tiêu nói trên. Nhưng ngay cả khi NHNN đã có đủ các công cụ chính sách trong tay, thì vẫn đứng trước hai rủi ro: lựa chọn và phối hợp trong sử dụng công cụ và năng lực bản thân NHNN đủ tinh khôn, đủ nhanh nhạy trước các biến động thị trường vàng, thị trường ngoại tệ, cán cân thanh toán,...

Mặc dù NHNN đã khá khéo léo khi thực hiện thí điểm đấu thầu vàng, nhưng chính việc thí điểm cũng đặt ra một vấn đề: mới "Chơi" vàng vật chất, nhưng cuối cùng vẫn cần đưa giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới.

Điều này không đơn giản nếu thị trường và giá vàng thế giới biến động nhanh, mạnh, mà xác suất xảy ra khả năng này không nhỏ. Giao dịch "vàng tài khoản" có thể là một giải pháp song những qui định pháp lý chưa cụ thể, chẳng hạn, ai được chơi, chơi như thế nào, giám sát ra sao...

Về lâu dài, muốn giảm mạnh mức độ "đô la hóa" và "vàng hóa", chẳng hạn, sẽ không có cho vay USD mà chỉ có mua và bán USD. Vàng cũng vậy, việc bỏ huy động, cho vay sẽ làm giảm mức vàng hóa.

Nhưng ở đây, trong ngắn hạn, lại đang có mâu thuẫn: Do thói quen, do nền kinh tế còn rất nhiều vàng và USD... cho nên một mặt, muốn giảm nhưng mặt khác, ở một số chính sách lại khuyến khích vàng hóa và đô la hóa.

Với USD, được gửi tiết kiệm và nhận bằng USD. Với vàng, Nhà nước độc quyền sản xuất và cho lưu thông vàng miếng, về bản chất ít nhiều thừa nhận vàng (miếng) cũng là tiền và điều này lại góp phần làm tăng "vàng hóa"... Vấn đề đặt ra là phải xử lý cái ngắn hạn như thế nào để dần cuối cùng không còn vàng hóa, đô la hóa nữa.

Với vàng, SJC rồi cũng cần biến mất, chỉ còn có vàng tiền là nằm trong dự trữ quốc gia như các nước khác. Có rất nhiều vấn đề cần xem xét và bản thân Nghị định 24/NĐ-CP cũng cần hoàn thiện tiếp.

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó viện trưởng CIEM

Nguồn Doanh nhân sài gòn


Sự kiện