Ảnh: Afamily. vn
Ngày Việt Nam không còn vé số
Việc Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động xổ số 15 ngày kể từ 1.4 để phòng dịch COVID-19 là cú sốc đối với lao động trong nghề bán vé số giấy truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để xã hội nhìn nhận lại tương lai của nghề này trong bối cảnh kỹ thuật số như hiện nay.
Duy trì gần 50 năm, xổ số truyền thống hay còn gọi là xổ số kiến thiết là một trong những loại hình xổ số đầu tiên tại Việt Nam. Với khẩu hiệu “xổ số kiến thiết, ích nước lợi nhà”, loại hình này đã trở thành một phương tiện phổ biến để tăng thu nhập của Chính phủ, bù vào thâm hụt ngân sách. Chính phủ thường sử dụng nguồn thu được từ xổ số để xây dựng các cơ sở công cộng như điện, đường, trường, trạm và các nghiên cứu xã hội.
Bên cạnh đó, vì tính chất đơn giản và may rủi đổi đời, đây cũng là nghề sinh nhai của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết qua thống kê sơ bộ hiện có 7.978 người bán vé số cư trú trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch COVID-19 tác động làm giảm thu nhập, ngưng việc làm.
“Những người bán vé số chính là đại diện tiêu biểu cho nhóm lao động phi chính thức, đó là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Đó là sự thua thiệt so với lao động chính thức”, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP.HCM, chia sẻ với truyền thông.
Dù xổ số giấy không được phát hành, nhưng vẫn còn nhiều hình thức khác để người đam mê đổi vận có thể tham gia. Trên thế giới hiện nay, có đến hàng trăm loại hình xổ số khác nhau. Tuy nhiên, có thể xếp loại chúng vào 4 nhóm chính: xổ số vé giấy, xổ số tự chọn, cá cược thể thao và mới nhất là xổ số video. Ở Việt Nam có 5 loại hình xổ số gồm: xổ số truyền thống, lô tô, xổ số Thần tài 4, xổ số bóc và xổ số điện toán (Vietlott).
Sự phổ biến của điện thoại thông minh và kết nối internet dẫn đến việc ngày càng nhiều người sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Instagram và Facebook. Định dạng tiếp nhận thông tin từ đọc sang nghe nhìn cũng đang khuyến khích các nhà cung cấp trên thị trường xổ số sử dụng nhiều nền tảng hơn.
Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, với hình thức livestream lô tô thông qua Facebook là một ví dụ cho sự chuyển dịch sang xu hướng số hóa. “Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, mọi hoạt động vui chơi văn hóa đều tạm dừng. Cái khó ló cái khôn, Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời đã nghĩ tới phương thức hoạt động online để duy trì hoạt động, cải thiện phần nào thu nhập cho mọi người”, nghệ sĩ trẻ Lộ Lộ, Trưởng Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, chia sẻ.
Tại hội nghị “Công ty xổ số trong thời đại kỹ thuật số: Phi trung gian, suy thoái hoặc chuyển mình” 2019, ông Seah Chin Siong, Chủ tịch Hiệp hội Xổ số châu Á - Thái Bình Dương (APLA), cho rằng công nghệ số đang tác động đến mọi mặt của đời sống cùng các trò chơi có thưởng và xổ số cũng không ngoại lệ. Điều này đòi hỏi vừa phải có giải pháp công nghệ số để kịp thời chuyển đổi theo thời đại, vừa phải đảm bảo nguyên tắc chơi có trách nhiệm.
Cũng phát biểu tại hội nghị trên, ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Giám đốc Vietlott, cho biết: “Trên thế giới đã có nhiều hình thức phát hành khác nhau như qua điện thoại, qua ứng dụng, qua internet. Vietlott cũng sẽ triển khai các phương thức phân phối này, hiện đang báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước để từng bước áp dụng vào thực tế, phục vụ người chơi”.
Dù mới xuất hiện ở Việt Nam chưa được 10 năm, nhưng Vietlott đã phần nào chứng minh được tính hiệu quả trong việc chuyển đổi định dạng của thị trường xổ số, góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia. Tại Việt Nam, khoảng 34% người mua vé số nằm trong độ tuổi từ 26-35 và 56% người mua từ 36-55 tuổi. Những người mua vé số Vietlott có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho mỗi lần mua bởi họ có niềm tin là cơ hội trúng sẽ cao hơn, theo Kantar Worldpanel.
Thị trường xổ số sẽ không biến mất. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Technavio, thị trường xổ số toàn cầu dự kiến sẽ tăng 220,52 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, các hoạt động thông qua nền tảng số sẽ chiếm ít nhất 80%. Nhưng liệu nghề bán vé số giấy truyền thống như ở Việt Nam còn tồn tại bao lâu?
Lực lượng lao động phi chính thức dường như đang bị "bỏ quên" trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật trong bối cảnh chung. “Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ, không chỉ để giúp hàng chục triệu lao động phi chính thức vượt qua cơn khó khăn trong đại dịch COVID-19 mà còn đảm bảo căn cơ lâu dài”, ông Phạm Anh Thắng chia sẻ thêm.
Quyết định 15 ngày cách ly toàn xã hội xem ra lại là một cơ hội tốt để cả nền kinh tế sàng lọc lại các ngành nghề không còn cần thiết và các ban ngành liên quan, có cơ hội để thử nghiệm phân bổ nguồn lao động hiệu quả hơn.