Thứ Tư | 11/12/2013 20:00

Ngày mai, xét xử vụ tham nhũng của Dương Chí Dũng

Các bị can bị cáo buộc vì gây thiệt hại của Nhà nước gần 367 tỷ đồng, trong đó 4 bị cáo tham ô gần 1,7 triệu USD.
Theo dự kiến, ngày 12/12, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra xét xử.

Theo đó, sẽ có 10 bị can phải hầu tòa, trong đó có Dương Chí Dũng (56 tuổi, quê Hải Dương) – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT).

Ngoài ra còn có các bị can: Mai Văn Phúc (56 tuổi, quê Hải Phòng) – Nguyên Tổng Giám đốc Vinalines – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT); Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng) – Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Hữu Chiều (51 tuổi, quê Hà Nam) – nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan (50 tuổi, quê Hải Phòng) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Mai Văn Khang (55 tuổi, quê Nghệ An) – nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Lê Văn Dương (43 tuổi, quê Hà Nam) – Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức (48 tuổi, quê Khánh Hòa) – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa – nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa; Lê Ngọc Triện (49 tuổi, quê Phú Yên) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan, tỉnh Khánh Hòa; Lê Văn Lừng (54 tuổi, quê Thanh Hóa) – Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Các bị can bị cáo buộc vì gây thiệt hại cho Vinalines gần 367 tỷ đồng. Trong số tiền thiệt hại này, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đã tham ô gần 1,7 triệu USD. 4 bị can này cùng bị truy tố hai tội danh theo: Khoản 4, Điều 278 và Khoản 3, Điều 165, Bộ Luật hình sự.

6 bị can còn lại trong vụ án tham nhũng tại Vinalines bị truy tố theo Khoản 3, Điều 165, Bộ Luật hình sự.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày./.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 278. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn VOV


Sự kiện