Thứ Năm | 25/07/2013 07:15

Ngày mai VAMC sẽ chính thức khai trương

Hiện bộ máy nhân sự, các chương trình hành động cụ thể của VAMC đã được lên kế hoạch sẵn sàng.
Ngày mai, 27/6, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ chính thức khai trương. Hiện bộ máy nhân sự, các chương trình hành động cụ thể của VAMC đã được lên kế hoạch sẵn sàng.

Theo Nghị định 53 và dự thảo thông tư hoạt động của VAMC, dự kiến công ty với vốn điều lệ 500 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ xử lý 100.000 tỷ đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 9/7. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do bộ máy hoạt động cũng như một số văn bản hướng dẫn chi tiết vận hành chưa hoàn thiện nên mốc 9/7 đã bị lùi lại 2 tuần.

Cơ cấu nhân sự cao cấp của VAMC bao gồm thành viên Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát cũng đã được công bố. Ông Đặng Thanh Bình Phó Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Ông Nguyễn Hữu Thủy thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, giữ chức Tổng Giám đốc VAMC.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trong dự thảo thông tư về VAMC, công ty này được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

Theo dự thảo, VAMC được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành hoặc sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của VAMC ngoại trừ trái phiếu đặc biệt để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

Tuy nhiên, đối với trường hợp mua nợ xấu theo giá thị trường, Hội đồng thành viên của VAMC phải xây dựng phương án mua các khoản nợ xấu này trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện.

Ngoài mua nợ xấu, đáng chú ý, VAMC còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) và được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh

Các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dự thảo thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi nợ.

Dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%. Theo đó, với quy định tỷ lệ công ty được hưởng là 2% tương ứng với mức thu là 320 - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 - 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm.

Đánh giá về tác động của VAMC tới nền kinh tế cũng có những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng VAMC sẽ giải quyết "cục máu đông" nợ xấu đang gây tắc nghẽn tín dụng và là "bước đi tích cực nhất từ trước đến nay trong việc vực dậy nền kinh tế Việt Nam", theo JP Morgan. Trong khi đó, một số tổ chức khác lại cho rằng, VAMC khó giải quyết triệt để vấn đề chất lượng tài sản của các ngân hàng nếu không có sự cải thiện đáng kể chính sách điều tiết.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện