Ảnh: Bayut

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 04/01/2023 12:07

Ngày 4/1: Giá USD và giá vàng toàn cầu cùng tăng

Thị trường chứng khoán Mỹ ảm đạm đã đẩy nhu cầu và giá vàng thế giới tăng cao, còn tại Việt Nam vàng miếng ổn định quanh mức giá 67 triệu/lượng.

Dù đồng USD đảo chiều đi lên nhưng nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn tăng, theo đó giá vàng thế giới đã tiếp tục tăng trong 24 giờ qua. Sau khi chạm mốc 1850 USD/ounce, mức cao nhất trong 6 tháng vừa qua, trong phiên giao dịch sáng nay, vàng đã trụ lại ở mức 1.838,5 USD/ ounce với loại giao ngay và đạt mức 1.843,8 US/ounce với loại giao sau, tăng lần lượt 10,2 USD và 17,6 USD so với rạng sáng ngày trước đó. 

Về kinh tế chung, Phó Chủ tịch hàng hóa Rahul Kalantri của Mehta Equities Ltd cho rằng, năm nay lạm phát giảm, lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn và suy thoái xảy ra với các mức độ khác nhau ở Mỹ và châu Âu. Thị trường lao động sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng, khiến Fed phải xoay trục khi lợi suất đạt đỉnh khoảng 5-5,25% sau ba lần tăng lãi suất bổ sung vào tháng 2, 3 và 5.

Trong lịch sử, khi lần tăng lãi suất cuối cùng diễn ra, thị trường chứng khoán đã chạm đáy và một đợt phục hồi mới của thị trường giá lên bắt đầu trong 12 tháng tới. Các nhà đầu tư sẽ bắt đầu quay trở lại với tài nguyên thiên nhiên, kim loại cơ bản, kim loại công nghiệp và kim loại quý với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn.

Tại thị trường vàng trong nước, sáng 4/1, giá vàng miếng SJC không biến động so với hôm qua. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 tăng thêm 150.000 đồng/lượng so với sáng 3/1: công ty SJC mua vào 53,25 triệu đồng/lượng, bán ra 54,35 triệu đồng. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước chậm hơn quốc tế khiến mức chênh lệch được rút ngắn, vàng SJC cao hơn thế giới xuống còn 14,3 triệu đồng/lượng, riêng vàng nhẫn có mức cao hơn còn 1,5 triệu đồng.

 

Trên thị trường tiền tệ, USD đã tăng mạnh vào phiên giao dịch vừa qua, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 12 vào hôm nay, trong khi đồng Euro giảm mạnh sau dữ liệu lạm phát mới công bố.