Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng 17/5 giảm 100.000 đồng mỗi lượng. Ảnh: Toko.

 
Tú Nguyễn Thứ Tư | 17/05/2023 11:49

Ngày 17/5: Giá vàng lao dốc trước tin xấu về kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Chu kỳ tăng lãi suất của Fed không sớm chấm dứt như kỳ vọng còn kinh tế Trung Quốc bị yếu đi. 2 yếu tố này khiến giá vàng đảo chiều.

Giá vàng thế giới sáng 17/5 giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 27 USD xuống còn 1.989 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 6 giao dịch lần cuối ở mức 1.993 USD/ounce, giảm 29 USD so với ngày trước đó.

Thông tin về cuộc đàm phán trần nợ Mỹ đang xấu đi. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo: Tác động mô phỏng của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng đối với một vụ vỡ nợ kéo dài không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng như cuộc Đại suy thoái. Trong mô phỏng của nó, hơn 8 triệu người Mỹ mất việc làm. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể. Giá trị của thị trường chứng khoán bị giảm khoảng 45%, xóa sạch số năm nghỉ hưu và các khoản tiết kiệm khác của hộ gia đình.

Tại Trung Quốc, dữ liệu công bố mới đây cho thấy kinh tế đã yếu hơn, theo đó nhu cầu đối với kim loại quý sẽ giảm. Cụ thể, sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 4 chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế là 10,9%. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vàng sẽ khó giảm sâu. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư đang chuyển sang mua vàng như một công cụ phòng ngừa khả năng vỡ nợ. Vàng là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, với hơn một nửa số người được khảo sát chọn kim loại quý này để bảo vệ trước tình trạng hỗn loạn trần nợ.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC sáng 17/5 giảm 100.000 đồng mỗi lượng, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 66,55 triệu đồng, bán ra 67,15 triệu đồng. Giá vàng nhẫn 4 số 9 cũng giảm 100.000 đồng/lượng, mua vào còn 56,45 triệu đồng, bán ra 57,55 triệu đồng. 

 

Có thể bạn quan tâm:

Ngày 16/5: Thị trường vàng chờ đợi loạt thông tin kinh tế mới