Đêm qua, thị trường dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 của Mỹ sẽ tăng 6,2%, giảm 0,3 điểm % so với CPI của tháng trước là 6,5%. Ảnh: Quý Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 14/02/2023 10:30

Ngày 14/2: Giá vàng toàn cầu giảm khi tiền chảy mạnh vào chứng khoán

Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm ngoạn mục và thu hút phần lớn dòng tiền đầu tư, giá vàng toàn cầu theo đó giảm nhẹ.

Giá vàng thế giới ngày 14/2 tiếp tục giảm với giá vàng giao ngay giảm 11 USD, xuống còn 1.853,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.863,5 USD/ounce, giảm 11 USD so với rạng sáng ngày trước đó, chạm mức thấp nhất trong 5 tuần.

Đêm qua, thị trường dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 của Mỹ sẽ tăng 6,2%, giảm 0,3 điểm % so với CPI của tháng trước là 6,5%. Ngay sau đó, USD giảm giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác. Tuy nhiên giá vàng không ngược chiều với USD như dự tính của nhiều chuyên gia. Nguyên nhân được cho là thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm mạnh mẽ, khiến dòng tiền chảy vào thị trường vàng hầu như không còn đáng kể.

Ngày 13/2, giá vàng thế giới ổn định trong vùng 1.865 USD/ounce. Tuy nhiên, khi tiền chảy mạnh vào chứng khoán châu Âu và Mỹ, giới đầu cơ vàng liền bán ra, kéo giá đi xuống.

Tại thị trường trong nước, Vàng miếng SJC sáng 14/2 rút ngắn mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng còn 600.000 đồng mỗi lượng thay vì 800.000 đến 1 triệu đồng. Eximbank mua vào với giá 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào còn 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng, giảm giá 100.000 đồng mỗi lượng vàng miếng SJC… Giá vàng nữ trang 4 số 9 cũng giảm 100.000 đồng/lượng, xuống 53,8 triệu đồng/lượng, bán ra 54,5 triệu đồng.

 

Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.630 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 23.430 đồng/USD mua vào, 23.770 đồng/USD bán ra, tăng 30 đồng/USD.