Nguyên nhân việc tăng giá của vàng trong nước đến từ giá USD tăng cao. Ảnh: T.L

 
Quốc Cường Thứ Ba | 01/11/2022 10:30

Ngày 1/11: Giá vàng thế giới và trong nước giảm nhiều

Ngay sau khi giá vàng thế giới giảm mạnh, mất mốc 1.640 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng giảm theo, nhiều thương hiệu mất mốc 67 triệu đồng/lượng.

Sang tuần mới, vàng trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn chịu áp lực bán khi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất “khủng” cao đẩy đồng USD tăng mạnh. Rạng sáng ngày 1/11, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,75% lên mức 111,58. Theo đó, vàng tiếp đà giảm với giá vàng giao ngay giảm 10,8 USD xuống còn 1.633,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.636 USD/ ounce, giảm 9 USD so với rạng sáng ngày trước đó. 

Như vậy thị trường vàng thế giới kết thúc tháng 10 với mức thua lỗ 7 tháng liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong hơn 5 thập kỷ. Vàng giao ngay kết thúc tháng 10 giảm 1,4% trong tháng, mức giảm hàng tháng thứ 7 liên tiếp, điều chưa từng thấy kể từ năm 1968. Tính đến nay, vàng giảm khoảng 10%. Kể từ cuối tháng 3, vàng đã giảm hơn 15%.

Trong nước, tại phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, giá vàng miếng giảm đồng loạt tại các hệ thống cửa hàng với mức giảm trong khoảng 10.000 - 200.000 đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC giảm nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào còn 65,9 triệu đồng, bán ra 66,7 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 66 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng…

 Kết thúc tháng 10, giá vàng miếng tăng 500.000 đồng/lượng, trái ngược với đà giảm giá của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân việc tăng giá của vàng trong nước đến từ giá USD tăng cao. Trong tháng 10, giá USD trong ngân hàng đã tăng 870 đồng, tương ứng 3,6%, lên 24.880 đồng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 17,66 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng 0,8% so với đồng yên Nhật, đạt mức 148,62 yên. Trong tháng 10, đồng USD đã tăng 2,7%, trên đà tăng tháng thứ ba liên tiếp so với đồng tiền Nhật Bản. Hôm 31/10, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết họ đã chi 42,8 tỷ USD cho hành động can thiệp tiền tệ trong tháng này đối với đồng yên. Trước đó, đồng yên giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 151,94 so với đồng USD vào hôm 21/10. Đồng USD cũng tăng so với đồng franc Thụy Sĩ, tăng 0,6%, đạt mức 1,0014 franc.

Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Ảnh: Marketwatch.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Ảnh: Marketwatch.

Đồng bảng Anh giảm 1,2% so với đồng USD, xuống mức 1,1476 USD. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có khả năng đưa ra mức tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp lãi suất ngày 3-11 tới. Đồng bảng Anh cũng giảm so với đồng Euro. Phó thống đốc BoE Ben Broadbent mới đây nhận định rằng, chi phí đi vay do các nhà đầu tư định giá sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh.

Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro giảm 0,8% so với đồng USD, xuống mốc 0,9887 USD. Đồng Euro đã có phản ứng sau khi dữ liệu được công bố vào hôm 31-10 cho thấy, lạm phát ở khu vực đồng Euro tăng cao hơn dự kiến, ở mức 10,7%, mức cao kỷ lục mới.