Ngành tôm dự kiến đạt 3,8 tỉ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), xuất khẩu tôm trong quý IV sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1,14 tỉ USD. Như vậy, xuất khẩu tôm năm 2018 sẽ cán đích gần 3,8 tỉ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 348 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,97 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Châu Âu vẫn là thị trường chính
Xuất khẩu tôm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giá tôm giảm và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính yếu ớt.
Giá tôm trong nước những tháng đầu năm 2018 bị tác động bởi các yếu tố thị trường thế giới. Thời tiết lạnh, đặc biệt các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết, nên lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, đẩy lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) lên cao… Bên cạnh đó, do giá tôm giảm nên khách hàng thường có tâm lý đợi giá tôm “chạm đáy” mới mua vào.
Hiện tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68,7%. Tiếp đến là tôm sú chiếm 22,9% và tôm biển là 8,3%. Tính đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (-30,6%), Trung Quốc (-38%), Hàn Quốc (-18,4%), Nhật Bản (-5%). Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhẹ 0,8% và Asean tăng mạnh trên 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm Việt sang EU chiếm 24,4% trong tổng xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường và là thị trường nhập khẩu tôm Việt lớn nhất.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm. Bước sang quý III, xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu suy yếu, và tháng 10 ghi nhận mức giảm 30,6%, với giá trị xuất khẩu sang Anh, Hà Lan và Đức đều giảm.
Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm nên xuất khẩu mặt hàng này sang EU tính tới tháng 10 năm nay vẫn tăng nhẹ 4,4% và đạt 724,7 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Anh và Đức tăng lần lượt 19% và 16% trong khi xuất khẩu sang Hà Lan giảm 1,4%.
Thị trường Mỹ hồi phục trở lại
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,2%. Xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng dương từ tháng 8, liên tục 4 tháng trước đó giảm liên tục trước đó. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 540,4 triệu USD.
Kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (từ 1.2.2016 đến 31.1.2017) khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó đã giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm, Vasep chia sẻ.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ áp thuế cao với các mặt hàng của Trung Quốc.
Ông Quang cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% (mặt hàng tôm tẩm bột không bị thuế phá giá) lên 25% vào cuối năm 2018.
Đây là dòng sản phẩm chủ lực của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng chính sách mới đã khiến sản phẩm của Trung Quốc bị ứ lại. Do đó, các khách hàng Mỹ đã yêu cầu Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc.
Vì vậy, Công ty Minh Phú đang tập trung đầu tư nhà máy sản xuất tôm tẩm bột tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. Theo ông Quang, tôm tẩm bột có đặc tính không chịu thuế chống bán phá giá và nguyên liệu tôm loại 2, sử dụng nhân công lao động ít do tự động hóa nhiều.
Những năm qua, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong mặt hàng này, còn Minh Phú chỉ bán rất ít, lợi nhuận tối đa chỉ dưới 10%.