Nguồn ảnh: Tạp chí Thủy sản.
Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỉ USD trong năm 2019
Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, dự báo tình hình thời tiết khá thuận lợi, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đảm bảo môi trường, đề phòng dịch bệnh cùng với ứng dụng công nghệ nuôi tôm hiệu quả… cả nước duy trì diện tích nuôi trên 736.000ha tôm nước lợ, 32.000ha diện tích nuôi tôm sú, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng đạt trên 780.000 tấn, tăng cao hơn năm 2018 khoảng 18.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 300.000 tấn và tôm thẻ chân trắng 480.000 tấn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, mặc dù sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan hơn 2017, ngành tôm Việt Nam năm 2018 chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh của ngành, đồng thời chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… dẫn đến xuất khẩu tôm chỉ đạt gần 3,55 tỉ USD, giảm 7,8% so với năm 2017.
Vì vậy, với mục tiêu và tiềm năng lớn sẵn có chưa được phát huy hết, bên cạnh các cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định tôm xuất khẩu của Việt Nam hiện đang bị cạnh tranh khốc liệt trên nhiều thị trường.
Đặc biệt là tại thị trường Mỹ khi tôm Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường này đang có nhiều lợi thế hơn, trong đó ưu thế lớn nhất là giá rẻ và chất lượng ổn định.
Những tồn tại của ngành tôm đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tôm giống hiện nay vẫn nhập từ nước ngoài, cụ thể hàng năm nhập từ 200.000 đến 250.000 tôm thẻ chân trắng bố mẹ, chiếm 90% nhu cầu. Tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Con giống sạch bệnh chỉ phục vụ cho mô hình nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh cho mô hình quảng canh. Trong khi đó, mô hình quảng canh chiếm đến trên 80% diện tích nuôi tôm của Việt Nam.
Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng; công nghệ nuôi tôm hiện nay rất hạn chế, đặc biệt tại vùng nuôi quảng canh; nền sản xuất manh mún, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thiếu vốn, thiếu cơ hội lựa chọn đầu tư… Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm đối mặt với nhiều rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu.