Ngành thủy sản “thắng lớn” nhờ tôm
Xuất khẩu sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 ước đạt 536 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2013. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 5 tháng đầu năm đạt 671,86 triệu USD, tăng 45,83% so với cùng kỳ năm 2013.
Năm tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 8,36%, 45,92% và 51,74%. Không chỉ thu được những kết quả khả quan từ kim ngạch xuất khẩu, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều thuận lợi. Bằng chứng là, sản lượng khai thác, nuôi trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước với các mức tăng tương ứng là 5,3% và 3,3%.
Mặc dù “bức tranh” chung toàn ngành có nhiều điểm sáng nhưng riêng mặt hàng cá tra lại khá ảm đạm. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 6 tháng đầu năm ước đạt 95.800 ha với sản lượng 489.000 tấn. Sản lượng cá tra của một số tỉnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá cá tra nguyên liệu thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.
Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 6 giữ mức ổn định từ 24.000-25.500 đồng/kg, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, lúc này người nuôi lại không có cá để bán do ảnh hưởng của tình trạng giá thấp kéo dài trong những năm qua, đa số người nuôi không mạnh dạn thả nuôi hoặc chuyển sang nuôi các loại thuỷ sản khác, trong khi những cơ sở đang nuôi thì lượng cá đạt kích cỡ thương phẩm để xuất bán không nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, sản xuất cá tra càng khó khăn hơn do Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố tăng thuế chống bán phá giá lần thứ 9 đối với cá tra, bình quân mỗi mức thuế từ 0,42-1,2 USD/kg. Điều này khiến cho giá cá tra đã giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, chỉ còn 21.500-22.000 đồng/kg (giá thành 22.500-23.500 đồng/kg).
Trông đợi vào tôm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, năm 2014 vẫn là một năm thắng lợi của ngành thủy sản, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khá khả quan.
Ở thị trường Trung Quốc, những năm qua, tận dụng sự gần gũi về mặt địa lý cũng như các ưu đãi trong thương mại mậu biên giữa hai nước, nhiều công ty thủy sản của Việt Nam đã và đang khai thác hiệu quả thị trường này. Tôm chiếm vị trí chủ lực trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2013, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 381,1 triệu USD, tăng 49,1% so với năm 2012. 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2013. Đối với mặt hàng cá tra, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thật sự hấp dẫn bởi DN xuất khẩu có nhiều lựa chọn khác tốt hơn. Tuy nhiên, một số DN đã bắt đầu “nhìn” đến thị trường này khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ hay EU ngày càng khó khăn.
VASEP nhận định, trước những căng thẳng trên biển Đông hiện nay, mặc dù DN của hai nước có thái độ e dè hơn nhưng hoạt động thương mại của DN thủy sản với đối tác Trung Quốc vẫn bình thường. Năm 2014 có thể sẽ tiếp tục là một năm “thu hoạch” của Việt Nam trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, nếu như Trung Quốc không có bất cứ động thái “tiêu cực” nào, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm bởi Trung Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến sản lượng tôm nuôi của nước này giảm mạnh.
Còn đối với Nhật Bản, 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường này. Trong khi, nhập khẩu từ hai thị trường được cho là “tiềm năng” vào Nhật Bản là Ấn Độ và Indonesia lại giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, tôm sú chính là ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác cho Nhật Bản bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định. Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm và sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 nếu vấn đề sử dụng kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong nuôi tôm được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa.
Theo VASEP, ở thị trường EU, trong các mặt hàng thủy sản, tôm cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho EU sau Ấn Độ và Ecuador. Nhập khẩu tôm Việt Nam vào EU 2 tháng đầu năm 2014 cũng cho thấy mức tăng trưởng khả quan với 49,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Dự kiến, năm 2014, thuế nhập khẩu tôm chế biến của Thái Lan vào EU đã tăng từ 7% lên 20%. Năm 2015, mức thuế áp cho tôm nguyên liệu Thái Lan nhập khẩu vào EU sẽ tăng từ 4,2% lên 12%. Sản lượng tôm chân trắng tăng mạnh cùng với thế mạnh về tôm sú, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng hơn nữa thị trường tôm EU trong năm nay và năm tới. Đặc biệt là trong tình hình thị trường hiện nay khi Nhật Bản vướng rào cản kháng sinh Oxytetracycline và Mỹ có thể tăng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.
Mỹ dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam
Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhanh chóng vượt xa Nhật Bản và EU. Tính chung 5 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam với 445 triệu USD, tăng 128,6% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tôm sang thị trường này liên tục được đẩy mạnh kể từ đầu năm khiến Mỹ chiếm tới 30,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Năm 2013 cũng là một năm thành công đối với tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tuy nhiên, thị trường này mới chiếm 22,5% và còn đứng sau Nhật Bản với tỷ trọng 27%.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ 4 cho Mỹ. Năm 2014, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm chân trắng sang thị trường này. Nguồn cung tôm chân trắng từ Thái Lan thiếu hụt là yếu tố chính tạo thuận lợi cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ. Dự báo, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi xuất khẩu Thái Lan sang Mỹ ngày càng khó khăn.
Nguồn Hải quan