Ngành thủy sản có thể trụ vững trong năm 2017?
Đã qua rồi cái thời cá tra cứ xúc lên bán là có lời, các công ty thủy sản từ năm 2003 mọc lên như nấm vì cá tra lúc đó được mệnh danh là “con cá vàng”. Thế nhưng giờ đây cá tra và tôm lại trở thành tội đồ khi là nguyên nhân chính khiến nhiều “đại gia” thủy sản phá sản đến mức đã có câu hỏi: ngành thủy sản liệu có thoái trào?
Chuỗi Domino đổ vỡ
Sự mất tích của nữ Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An trong thời gian qua đang khiến cho nhiều hộ nông dân lo lắng vì đã trót bán cá cho công ty này nhưng chưa thu được tiền. Tất cả thông tin về bà Nguyễn Thị Huệ Trinh chưa được xác minh cụ thể, nhưng hiện tại nhiều người cho rằng bà này đã ôm 80 tỉ đồng sang Mỹ để lại khoản nợ rất lớn, trong đó có ngân hàng.
Cách đây 3 năm, Nhà nước cho phép triển khai chuỗi liên kết khép kín với các hộ nuôi cá tra. Nhưng đến nay, nhiều nông dân vẫn chưa nhận được tiền nguyên liệu, trong khi ngân hàng giải ngân 231 tỉ đồng cho Thuận An, còn Tổng Giám đốc thì biệt tăm.
Thuận An vốn là doanh nghiệp chế biến phụ phẩm thủy sản (bột cá, mỡ cá). Bắt đầu từ năm 2001, Công ty đầu tư vào nuôi trồng chế biến thủy sản xuất khẩu với việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh An Giang, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, Thuận An không chủ động được nguồn ao nuôi mà vẫn mua cá nguyên liệu từ hộ nông dân. Đây là một yếu tố dẫn đến khó khăn cho Công ty trong quá trình chủ động sản xuất và lập giá xuất khẩu.
Thời điểm năm 2012, khi giá cá tra tăng chóng mặt, Thuận An đã vướng phải bài toán: giá cá đầu vào tăng cao trong khi giá cá xuất khẩu lại giảm. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh đã chia sẻ: “Công ty Thuận An chỉ sản xuất 50% công suất nhà máy vì thiếu nguồn nguyên liệu cá đầu vào”.
Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi báo cáo tài chính lãi 309 tỉ đồng, nhưng sau kiểm toán, công ty mẹ lại lỗ 49,3 tỉ đồng. Theo giải trình của Hùng Vương, 3 thay đổi trọng yếu khiến lợi nhuận giảm là do điều chỉnh doanh thu, giá vốn hàng bán, giảm lợi nhuận từ công ty liên kết và tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Thủy sản Vĩnh Hoàn không bị giảm sút đơn hàng và thua lỗ nhưng cũng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu và phải tìm thêm thị trường mới.
Trong buổi họp gần cuối năm, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chia sẻ: “Vĩnh Hoàn năm nay phát triển thị trường mới ở Nam Mỹ, châu Á và châu Âu sẽ tập trung vào Tây Ban Nha”. Tuy nhiên, ở thị trường mới, Vĩnh Hoàn cũng đứng trước nguy cơ mất một khoản nợ lớn từ Công ty Al-Reda Group For Trading and Development, một doanh nghiệp đến từ thị trường Ai Cập. Trước tình thế bị xù nợ kéo dài hơn 1 năm nên Vĩnh Hoàn đã phải trích lập dự phòng 50% giá trị với khoản nợ này.
Không chỉ có cá tra mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng gặp phải những khó khăn không kém. “Vua tôm sinh thái” lừng lẫy một thời là Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) cũng không tránh khỏi thua lỗ. Theo báo cáo của Công ty, kết thúc năm 2016, Camimex lỗ ròng gần 51 tỉ đồng, trong khi năm trước lãi gần 25 tỉ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, hàng tồn kho của Camimex vẫn ở mức cao như đầu kỳ, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ âm 118 tỉ đồng.
Camimex vốn là công ty hoạt động trong ngành thủy sản đã hơn 30 năm, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai nuôi tôm sinh thái từ năm 2000 và đạt được chứng nhận tôm sinh thái do Naturland và IMO cấp. Đồng thời, Camimex cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận sinh thái cho chuỗi giá trị tôm sinh thái xuyên suốt, bền vững như: trại giống sinh thái, vùng nuôi sinh thái, sản phẩm sinh thái. Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Công ty này liên tục lao dốc không phanh và ngày càng thê thảm. Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cadovimex nổi tiếng một thời đã bị hủy niêm yết vì thua lỗ 3 năm liên tiếp và sau đó quay ra niêm yết trên sàn UPCoM.
Cũng từng là đại gia trong ngành thủy sản, Công ty Thủy sản Việt An, Công ty Thủy sản Phương Nam, Bình An và Thiên Mã... cũng phải phá sản, giám đốc buộc phải ra đi hoặc bỏ trốn ra nước ngoài, thậm chí vào tù và để lại khoản nợ lớn đến nay vẫn còn chưa giải quyết xong.
Thêm những rào cản lớn
Trong khi cá tra đang gặp phải quá nhiều khó khăn thì vừa qua, Tập đoàn Carrefour của Pháp tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số nước họ có chi nhánh. Nguyên nhân là do một kênh truyền hình tại Tây Ban Nha mới đây đăng clip thông tin không đúng sự thật về cá tra Việt Nam. Để bảo vệ các mặt hàng trong nước, một số nhóm doanh nghiệp tại vài nước thuộc châu Âu (EU) đã tạo ra chiến dịch truyền thông bôi nhọ các sản phẩm nhập khẩu nhiều vào EU, cá tra từng bị bôi nhọ ở thị trường Đức.
Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường. Ảnh: Sơn Phạm |
Các công ty nhập khẩu EU phản hồi rằng tiêu thụ cá tra của tập đoàn bán lẻ nay không lớn. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng sự việc này đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của sản phẩm cá tra Việt Nam, tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ của thị trường EU cũng như các thị trường khác. Cũng phải nói thêm, thị trường EU hiện nay đang nhiều biến động do tình hình Brexit của nước Anh đã ảnh hưởng nhiều đến chính sách của châu Âu trong thời gian tới.
Đây sẽ là một rào cản cho ngành cá tra và các doanh nghiệp vô hình trung sẽ bị thu hẹp thị trường tại châu Âu trong khi thị trường Mỹ cũng đang gặp phải nhiều biến động. Thị trường Mỹ mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Từ tháng 9.2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các tài liệu chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) sẽ không được xuất khẩu. Quy định này của Mỹ rất khắt khe và đây sẽ là một rào cản lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian tới. Chưa kể, thuế chống bán phá giá mà Mỹ liên tục áp lên các doanh nghiệp Việt theo từng giai đoạn cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty xuất khẩu thủy sản.
Mặc dù không vướng phải thuế chống bán phá giá cá tra nhưng Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng gặp khó khăn khi vào thị trường Mỹ bởi đạo luật mới ban hành. Để ứng phó, Vĩnh Hoàn phải đi song song nhiều thị trường, vừa xuất vào Mỹ, châu Âu đồng thời cũng tranh thủ tìm thị trường mới và tích cực khai thác thị trường Trung Quốc để không bị giảm sút sản lượng. Khoảng 2 năm trở lại đây, cá tra được ưa chuộng tại các nhà hàng lớn của Trung Quốc, nhất là món cá tra nướng mà Vĩnh Hoàn đang thực hiện. Hiện nay, nhiều chuỗi cửa hàng lớn tại Trung Quốc đang là bạn hàng của Vĩnh Hoàn với sản lượng lớn. Vĩnh Hoàn cũng đã thành lập công ty con để hỗ trợ bạn hàng Trung Quốc trong khâu thanh toán và thủ tục nhập khẩu khi cần.
Đáng chú ý là xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ tăng 1,5 lần thị trường Mỹ. Dựa trên thực tế sản xuất và dự báo, Tổng cục Thủy sản đề xuất kế hoạch đạt sản lượng cá tra trên 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỉ USD.
Bà Khanh chia sẻ: “Vĩnh Hoàn vẫn cố gắng đấu tranh để thay đổi chính sách của Mỹ về cá tra Việt Nam vì thị trường này chiếm 60% sản lượng của Công ty nhưng cũng sẽ tìm thêm thị trường mới để đề phòng những biến động”. Cũng là 1 trong 2 đại gia lớn nhất trong ngành thủy sản, Hùng Vương vốn có thị trường chính là châu Âu và Mỹ nhưng cũng vướng vào khó khăn khi xuất khẩu bằng chứng là khoản lỗ vừa qua. Một điều khá rõ là biên lợi nhuận của ngành cá tra đang ngày càng giảm sút vì giá cá nguyên liệu ngày càng tăng cao trong khi giá xuất khẩu không tăng. Cộng thêm, cạnh tranh xuất khẩu với nhiều nước khác trong khu vực.
Một số nước tại châu Á đang tăng cường xuất khẩu cá rô phi, cá tra vào thị trường Mỹ, châu Âu nên sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và giá xuất khẩu của cá tra Việt. Ngoài 4 nước trong hạ lưu sông Mê Kông có nghề nuôi cá tra truyền thống là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, một số nước khác ở Đông Nam Á như Philippines, Indonesia... đẩy mạnh nuôi trồng và xuất khẩu vì thấy được tiềm năng từ cá tra. Trước hàng loạt khó khăn như vậy, liệu các doanh nghiệp thủy sản có thể trụ vững trong năm 2017?
Thanh Hương