Ngành thép: Tiêu chí "càng rẻ càng tốt" đang chiếm ưu thế
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, giá thép bị giảm do sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm trong nước rẻ đe dọa tính ổn định của ngành. Các nhà sản xuất tư nhân nhỏ trong nước cần nhiều vốn hơn để xây dựng một ngành công nghiệp ổn định, sản phẩm có chất lượng.
Tuy nhiên, việc tiêu chí "càng rẻ càng tốt" đang chiếm ưu thế, khiến cả chủ đầu tư và khách hàng đều không quan tâm đến chất lượng hay an toàn sản phẩm sẽ khiến Việt Nam có thể chọn một chính sách công nhận là có thặng dư các sản phẩm thép và không cần tăng thêm năng lực sản xuất trong nước vì có thể nhập khẩu.
"Hiện nay tại Việt Nam không có nhà sản xuất thép toàn diện trong nước. Các sản phẩm thép được nhập khẩu tràn ngập với giá thấp hơn giá thị trường nhưng không có bất kỳ biện pháp chống bán phá giá nào được tiến hành", Nhóm công tác của VBF đánh giá.
Trước nhận xét này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, các dự án đầu tư cũng như xây dựng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thép đều dựa trên quy hoạch này ngành thép đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các dự án đầu tư có sự thiếu đầy đủ, không đúng theo quy hoạch.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, quy hoạch ngành thép Việt Nam đã tính đến phát triển cân đối giữa các lĩnh vực sản xuất và cung ứng thép cho tiêu thụ trên thị tường nội địa và trên thị trường quốc tế. Song, do yếu tố thị trường, các nhà đầu tư tập trung đầu tư vào những ngành thép có nhu cầu cao mà thiếu tập trung vào những lĩnh vực thép khác như chế tạo.
Bên cạnh đó, năm 2011 - 2012, do sự sụt giảm nhu cầu của thị trường thế giới, đặc biệt là với thép xây dựng nên các sản phẩm thép của nước ngoài có sự giảm giá, cộng với việc lại được ưu đãi về thuế, dẫn đến việc thép nhập ngoại tràn vào thị trường lớn làm lượng hàng tồn kho cao. Ngoài ra, việc Chính phủ cắt giảm đầu tư công cũng có ảnh hưởng nhất định đến ngành thép, Thứ trưởng đánh giá.
Để giải quyết tình trạng trên, nhóm công tác của VBF đưa ra một số đề xuất để giải quyết những khó khăn hiện nay của nhà sản xuất thép.
Thứ nhất, nên loại bỏ thuế hải quan đối với phôi thép nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước. Thuế hải quan áp với phôi thép nhập khẩu làm mất tính cạnh tranh của các nhà máy cán thép và do đó kiềm hãm sự phát triển của các nhà sản xuất mạnh trong nước.
Thứ hai, cần ưu tiên điều tra cách thức bán phá giá để nuôi dưỡng một ngành công nghiệp lành mạnh trong nước mà không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, Luật Xây dựng Việt Nam và các quy định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng cần phải được sửa đổi, đặc biệt là đối với xây dựng đường bộ. Hiện nay, đường bộ được xây dựng mà không sử dụng các thanh thép hoặc thép cuộn, dẫn đến việc tuổi thọ đường bộ bị rút ngắn đáng kể và đòi hỏi phải sửa chữa thường xuyên các bề mặt bị hư hỏng.
Thứ tư, cần phải thiết lập các thông số tiêu chuẩn hóa cho các sản phẩm thép. Hiện nay, trên thị trường, nhiều sản phẩm thép dưới mức tiêu chuẩn nhưng vẫn được kinh doanh và sử dụng thường xuyên. Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn này gây ra tiếng xấu cho các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
Sau khi xem xét các đề xuất của Nhóm công tác, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã nhận thấy được điều này nên đã điều chỉnh lại quy hoạch ngành thép và đang chờ Thủ tướng thông qua. "Hy vọng quy hoạch mới giúp ngành thép phát triển tốt hơn", Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, để giải quyết hàng tồn kho và mất cân đối cung cầu, Bộ Công thương đã có tính toán để khôi phục thị trường bất động sản, dự án đầu tư công để giúp tạo ra nguồn cầu lớn hơn nhằm tiêu thụ thép trên thị trường.
Trong điều hành chính sách về xuất nhập khẩu, Bộ cũng sẽ xây dựng những chính sách kỹ thuật để hạn chế sự lợi dụng ưu đãi nhằm làm mất ổn định thị trường, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu để đảm bảo quy hoạch của mình phù hợp hơn với phát triển ngành thép, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tồn kho thép khoảng 190.000 tấn - mức tồn kho tương đối cao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sản xuất trong nước thời gian qua chưa được kiểm soát thật chặt chẽ theo quy hoạch, dẫn đến việc công suất của các nhà máy thép dư thừa hơn so với nhu cầu. Thứ hai là do thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn. |
Nguồn Khampha