Thứ Sáu | 02/05/2014 08:19

Ngành sản xuất than châu Á tiến thoái lưỡng nan do giá giảm sâu

Các nhà sản xuất than đá châu Á hiện đang là “kẻ thù” của chính mình khi phải gia tăng sản lượng để tăng thu nhập hòng bù lại mức giá giảm.
Logic kinh tế học là khi bạn sản xuất quá nhiều sẽ dẫn tới dư cung, và giá sẽ giảm xuống dưới giá thành, khiến bạn phải giảm hoặc ngừng sản xuất.

Tuy nhiên, logic này không hoàn toàn đúng với các thị trường than đá châu Á, nơi các nhà khai thác vẫn đang tăng sản lượng nhiều hơn mức tăng nhu cầu.

Tác động ngắn hạn là giá giao ngay đã giảm, với giá tham chiếu loại than nhiệt Australia tại cảng Newcastle xuống 73,12 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 25/4/2014, không khác mấy so với mức thấp nhất bốn năm rưỡi là 72,98 USD/tấn hồi tháng 3/2014.

Giá hiện cũng thấp hơn 15% so với hồi đầu năm, và đã mất gần một nửa so với mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008 là 136,30 USD/tấn hồi tháng 1/2011.

Hậu quả của sự sụt giá này là một số mỏ đã phải dừng khai thác, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ.

Song các nhà xuất khẩu chính như Australia và Indonesia dường như vẫn đang tăng sản lượng, và các hãng khai thác mỏ ở đây tin tưởng rằng họ sẽ không phá sản.

BHP Billiton BHP.AX, hãng khai thác mỏ lớn nhất thế giới, đã nâng sản lượng than nhiệt thêm 14% và than cốc thêm 28% trong quý kết thúc vào ngày 31/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù thừa nhận rằng đang là giai đoạn khó khăn và giá chưa chắc sẽ sớm hồi phục, song BHP cho rằng đẩy tăng khối lượng có thể làm giảm chi phí sản xuất và nhờ đó vẫn duy trì được lợi nhuận.

Quan điểm này cũng được một số hãng khai thác mỏ khác cùng chia sẻ, và Cơ quan Kinh tế Năng lượng và Tài nguyên Australia trong báo cáo tháng 3 nhận định xuất khẩu than nhiệt của nước này năm 2014 sẽ tăng 3,7% lên 195 triệu tấn, so với mức tăng 10% của năm 2013.

Mặc dù tốc độ tăng chậm lại, song họ dự kiến sẽ tăng sản lượng ngay cả khi giá thấp nhất kể từ sau cuộc suy thoái toàn cầu, cho thấy sức mạnh của thị trường dường như không tác động tới ngành sản xuất than.

Các mỏ than Australia cũng gặp khó khăn bởi phải duy trì chi phí vận chuyển cho ngành đường sắt và cảng biển, có nghĩa là họ vẫn phải chi phí cho công suất sản xuất dành cho xuất khẩu, dù có xuất sử dụng hay không. Điều đó có nghĩa là dù giá rẻ nhưng họ vẫn phải tiếp tục khai thác và chịu lỗ để xuất khẩu còn hơn là đóng cửa mỏ.

Thực tế đó thể hiện ở con số xuất khẩu than từ cảng Newcastle – cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới – đã tăng rõ rệt trong những tháng gần đây.

Xuất khẩu trong tháng 4 ước đạt 12,49 triệu tấn, tăng so với 11,86 triệu tấn của tháng 3 và gần sát mức 12,97 triệu tấn của tháng 1 – tháng xuất khẩu mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Các nhà sản xuất Indonesia cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng, và chính phủ đã cho phép sản lượng năm 2014 ít nhất bằng năm 2013, trái với quyết định trước đây là giảm xuống 397 triệu tấn từ mức 421 triệu tấn năm trước.

Cho đến nay, sản lượng than Indonesia luôn vượt mục tiêu và đã đạt 110 triệu tấn trong quý I.

Kết quả điều tra do Reuters tiến hành hôm 7/3 cho thấy sáu nhà sản xuất hàng đầu Indonesia muốn tăng sản lượng trung bình 11,7% trong năm 2014.

Với việc 2 nhà xuất khẩu lớn nhất dự định tăng xuất khẩu trong năm nay, hầu như không có khả năng mức tăng nhu cầu sẽ bắt kịp mức tăng nguồn cung.

Khách hàng số 1 – Trung Quốc – dự kiến nhập khẩu than đá năm nay sẽ quanh mức 267 triệu tấn như năm 2013 (năm nhập khẩu tăng 14% so với 2012).

Các thị trường than đá Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng dư cung rất nhiều ngay cả khi các nhà sản xuất nội địa bị sụt giảm lợi nhuận do giá thấp.

Sản lượng của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 535 triệu tấn, theo số liệu công bố trên website của ngành.

Tuy nhiên, trong khi thị trường Trung Quốc không hứa hẹn đối với các nhà sản xuất than đá thế giới, thì Ấn Độ đang là điểm sáng của thị trường than đá giao ngay.

Nhập khẩu than của các nhà sản xuất nhiệt điện Ấn Độ đã tăng 31% lên 66 triệu tấn trong giai đoạn tháng 4/2013 – tháng 1/2014, theo thông báo hôm 20/2 của Bộ Điện lực nước này.

Nhập khẩu than Ấn Độ đã tăng 21% lên 152 triệu tấn năm 2013, và có thể tăng lên 170 triệu tấn trong năm nay, theo nhận định của công ty nghiên cứu OreTeam hôm 22/1.

Và Nhật Bản, nước nhập khẩu than lướn thứ 3 châu Á, cũng tăng nhập khẩu thêm 9% lên 48,98 triệu tấn trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2013.

Sự thiếu vắng điện của các nhà máy điện nguyên tử và giá khí tự nhiên hóa lỏng cao khiến Nhật phải tăng cường sử dụng than đá, và tình trạng này có thể vẫn tiếp diễn từ nay tới cuối năm.

Nước nhập khẩu lớn thứ 4 là Hàn Quốc cũng tăng mua thêm 4,6% trong quý I năm nay, lên 30,15 triệu tấn, cũng với lý do đóng cửa một số nhà máy điện nguyên tử gây tranh cãi và giá khí gas cao.

Nhu cầu tăng nhu vậy đem lại hy vọng cho các nhà khai thác mỏ t han châu Á, song thực tế là mọi mức tiêu thụ tăng có thể được đáp ứng một cách dễ dàng, và họ chưa chắc sẽ tự đẩy giá tăng lên.

Mặt khác, nếu giá tăng, các nhà sản xuất than Mỹ có thể sẽ khôi phục xuất khẩu sang châu Á, và như vậy đà tăng sẽ bị chặn đứng.

Dường như chiến thuật hiện tại là cố gắng tăng sản lượng để giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập đang tỏ ra thát bại, nhất là sau khi nhiều nhà khai thác mỏ cùng cố gắng làm điều đó.

Nhưng dù hy vọng vốn liếng của mình khỏe hơn của đối thủ dù không phải là kế hoạch kinh doanh đặc biệt thông minh và bền vững thì có vẻ như đây là trò chơi duy nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ


Sự kiện