Ngành ô tô, mía đường, chăn nuôi... chịu tác động mạnh từ AEC
Tại Diễn đàn CEO Việt Nam 2015 diễn ra ngày 24/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, các ngành ô tô, mía đường, chăn nuôi... sẽ chịu tác động mạnh khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đồng thời dỡ bỏ hàng rào thuế quan đến năm 2018.
Theo Thứ trưởng, từ ngày 1/1/2015 đến nay, Việt Nam đã thực thi được hơn 94% các vấn đề liên quan. Cùng với Singapore, Việt Nam là một trong hai nước hoàn thành các số lượng vấn đề thực thi trong khu vực ASEAN cao nhất. Tính đến nay, 90% dòng thuế của Việt Nam đã được dỡ bỏ. Các mặt hàng của ASEAN đã vào Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng đã được hưởng ưu đãi. "Vì thế, việc gia nhập AEC cũng không có gì quá ghê gớm và lo lắng".
"Vấn đề là tới năm 2018, khi dỡ bỏ hết 7% các dòng thuế trong các lĩnh vực nhạy cảm như nông sản, thực phẩm, sữa, ô tô... thì tác động thế nào đến từng doanh nghiệp?", Thứ trưởng Anh nhấn mạnh.
Theo ông: "Nếu đánh giá theo số liệu thống kê, đến năm 2018, chúng ta sẽ chịu tác động rất mạnh trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Thứ nhất là ngành ô tô, khi Thái Lan, Malaysia và các nước khác nằm trong chuỗi sản xuất ô tô cho các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam sẽ phải thực thi các hàng rào thuế suất sau năm 2018 là dỡ bỏ thuế nhập khẩu ô tô".
"Thứ hai là ngành công nghiệp mía đường, với chất lượng, năng suất và trình độ của chúng ta, chúng ta đang gặp phải những vấn đề rất lớn trong ngành mía đường. Với thuế suất hiện nay đang áp dụng thì khi dỡ bỏ thuế vào năm 2018, ngành công nghiệp mía đường sẽ gặp những thách thức vô cùng lớn nếu chúng ta không đổi mới công nghệ, kỹ thuật canh tác, quy mô sản xuất và trình độ sản xuất của người nông dân…".
Cùng với đó, các ngành công nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm cũng sẽ chịu tác động rất lớn. Tác động đó cũng sẽ không chỉ dừng lại ở năm 2018 mà còn cả sau này. Do đó, vấn đề vốn, tín dụng, nhân công... cần phải được cải thiện.
"Chúng ta không được nghĩ tới việc hỗ trợ của Chính phủ vì đã gia nhập WTO, phải đi theo bước đi của toàn cầu hóa, phải thực hiện đúng cam kết hội nhập. Chúng ta phải nghĩ hướng đi lên", Thứ trưởng khắng định.
Khi thị trường mở cửa, Việt Nam gia nhập toàn cầu thì các doanh nghiệp cũng không nên hạn chế tư duy ở góc nhìn 90 hay 600 mà hãy nghĩ về tư duy toàn cầu, đồng thời ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện thủ tục, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới công nghệ…
Trường Văn