Ảnh: Nhandan.com.vn.
Ngành ngân hàng trong giai đoạn chuyển mình để lên tầm cao mới
Hoạt động của ngân hàng chủ yếu là dựa trên vốn chủ sở hữu (book value) và tiền gửi khách hàng, sau đó dùng đi cho vay lại. Do đó, chất lượng tín dụng của ngân hàng là tối quan trọng, nếu chất lượng tín dụng tốt thì sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững, giúp gia tăng vốn chủ sở hữu và ngược lại.
► Agribank kinh doanh như thế nào trong năm 2018?
Nhờ vào những chính sách linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà hiện nay chất lượng tín dụng ở các ngân hàng đã cải thiện rõ thông qua việc xử lý và trích lập dự phòng cho nợ xấu. Tính tới cuối quý 1, tỷ lệ trích lập dự phòng cho nợ xấu của nhóm các ngân hàng đang niêm yết đã tăng lên mức 56,3% so với 49,7% vào đầu năm. Bên cạnh đó là định hướng rất tích cực của Ngân hàng Nhà nước khi thắt chặt cho vay vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống.
Về tổng thể, hiện nhóm các ngân hàng đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình xử lý nợ xấu, và bước vào giai đoạn chuyển mình để lên thêm 1 tầm cao mới, với việc nâng cao chất lượng quản trị tài sản tín dụng. Đó là việc hướng đến chuẩn Basel II vào đầu năm 2020, và xa hơn là hướng đến áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Việc đi lên basel II đang tạo ra áp lực lớn về tăng vốn chủ ở một số ngân hàng nhằm đạt tiêu chí hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo basel II. Nếu không đáp ứng được, có thể xảy ra tình huống là ngân hàng phải giảm dư nợ tín dụng để đạt được hệ số này qua đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và ngược lại.
Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là 1 hướng đi đúng và cần thiết của NHNN nhằm nâng cao chất lượng và quản trị tín dụng của các ngân hàng. Giúp cho hệ thống phát triển ổn định bền vững hơn.
Nếu như năm 2015 là năm bản lề xử lý nợ xấu thì năm nay sẽ là năm bản lề của việc đi tới chuẩn Basel II và chuẩn kế toán IFRS với các tiêu chí về tín dụng, vốn khắt khe hơn. Điều này sẽ giúp book value của nhóm ngân hàng tốt hơn tới từ chất lượng quản trị, và chất lượng các khoản vay, đây là điểm tích cực giúp cho định giá của nhóm ngân hàng thông qua tỷ số P/B (price-to-book) trở nên đáng tin cậy hơn trong giai đoạn tới.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh VnDirect, Hồ Chí Minh nhận định: "Với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt vượt trội như VCB, ACB, MBB… giai đoạn chuyển mình này cũng là cơ hội lớn về kinh doanh để bứt phá so với nhóm ngân hàng còn lại đang ở giai đoạn cuối xử lý nợ xấu".
Một điểm đáng chú ý nữa mà ông Tuấn đề cập là tỷ trọng đóng góp từ mảng dịch vụ sẽ tăng nhiều hơn. Đơn cử như Vietcombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây, mức tăng gần 7 lần trong giai đoạn 2008-2018.