Ngành ngân hàng: Lợi nhuận tăng, nợ xấu cũng tăng
Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank tiếp tục hoãn là tin không vui đối với các cổ đông và những người quan tâm đến ngân hàng này, nhưng điều đó chưa phải là bất ngờ lớn. Báo cáo kinh doanh mới nhất của Eximbank cho thấy tỉ lệ nợ xấu đã tăng vọt từ mức 1,86% vào cuối năm 2015 lên 5,3% vào cuối quý II vừa qua. Nợ xấu cao kéo theo trích lập dự phòng lớn, vì vậy lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm chỉ đạt hơn 79 tỉ đồng, trái với con số 567 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Sacombank cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng này chỉ đạt 363 tỉ đồng, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nợ xấu tăng từ 1,85% lên mức 2,83%.
Liệu hai ngân hàng này có đại diện cho xu hướng chung của ngành? Câu trả lời là chưa hẳn nếu nhìn vào các ngân hàng còn lại (cho đến nay, mới chỉ hơn một nửa ngân hàng chính thức công bố báo cáo tài chính). Ở khối ngân hàng nhà nước, ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm là Vietcombank, lên đến 35% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng này thậm chí cao hơn hẳn so với năm ngoái, chỉ 10%. Trong khi VietinBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng thì ngược lại, BIDV lại giảm tốc.
Ở khối ngân hàng tư nhân, rất nhiều trường hợp duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Trong số này ấn tượng nhất là Techcombank, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng lên đến 1.587 tỉ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ. Xếp sau đó là VPBank với lợi nhuận trước thuế 1.600 tỉ đồng, tăng hơn 36%.
Có thể thấy chi phí trích lập dự phòng tiếp tục đè nặng lên đôi vai của các ngân hàng tư nhân lớn đang gặp trục trặc như Eximbank và Sacombank, nhưng đó là hệ quả của một quá trình tăng trưởng từ trước, chứ không phải mới gần đây. Với Eximbank, ngân hàng này đang tìm lại điểm cân bằng cho vấn đề nhân sự cấp cao, bên cạnh việc phải mạnh tay trích lập các khoản cho vay trước đây. Còn với Sacombank, việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam đang làm chậm lại thấy rõ bước chạy của ngân hàng này. Một trường hợp sáp nhập tương tự khác là BIDV với MHB. Theo ban lãnh đạo các ngân hàng nói trên, quá trình “thanh lọc” này cũng phải kéo dài vài năm. Vậy với những ngân hàng còn lại, vì sao có một số ngân hàng tăng trưởng tốt, còn một số ngân hàng thì không?
Xét về kinh doanh, các ngân hàng đang tận hưởng trái ngọt từ quy mô tín dụng mở rộng trong 2 năm gần đây. Nhờ đó, thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng, thậm chí, với những ngân hàng như Eximbank. Nếu bóc tách phần trích lập dự phòng, lợi nhuận thu về từ hoạt động tín dụng vẫn đang tăng trưởng, trong đó có nhiều ngân hàng tăng trưởng rất tốt (nhìn trên sổ sách kế toán).
Trên thực tế, trích lập dự phòng ở nhiều ngân hàng cũng đồng thời tăng theo. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về từ các hoạt động nhiều hơn là cơ sở giúp các ngân hàng đẩy mạnh lợi nhuận cuối cùng. Lấy ví dụ như Techcombank, ngân hàng này trích lập dự phòng nhiều hơn về giá trị tuyệt đối, nhưng quy mô trích lập tương đối so với lợi nhuận làm ra đã giảm. Trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí trích lập dự phòng chiếm khoảng 61% lợi nhuận làm ra, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 67%.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi về mặt kinh doanh, thị trường ngân hàng cũng có một số điểm khác biệt lớn giữa năm nay với năm ngoái về mặt chính sách. Năm ngoái, các ngân hàng chịu áp lực từ phía cơ quan quản lý phải đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới mức 3%. Vì thế, thị trường mua bán nợ với công ty quản lý tài sản VAMC diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, VAMC hầu như mua rất ít nợ xấu của ngân hàng, chỉ khoảng 4.000 tỉ đồng trong khi lượng dư nợ lũy kế đã mua là khoảng 241.000 tỉ đồng.
Rõ ràng, sau nhiệm vụ giúp giảm tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng xuống dưới ngưỡng an toàn 3%, VAMC đang tập trung nhiều hơn vào vấn đề xử lý. Không bán nợ cho VAMC, các ngân hàng sẽ buộc phải xử lý nợ theo đúng quy định pháp luật, tức phải chuyển nhóm nợ. Nợ xấu vì thế tiếp tục tăng trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới. Ở những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như Techcombank, tỉ lệ nợ xấu vẫn đang tăng, từ mức 1,67% cuối năm lên 1,87% vào cuối quý II năm nay.
Thực ra, các ngân hàng cũng muốn xử lý rốt ráo các khoản nợ của mình, nhưng vẫn chưa giải quyết được vì thiếu cơ chế hỗ trợ xử lý tài sản đảm bảo. Điều tương tự cũng đang diễn ra với VAMC. Việc xử lý nợ xấu từ năm 2014 cho đến nay chưa có tiến triển gì nhiều, chủ yếu từ phía các ngân hàng sử dụng lợi nhuận của mình để trích lập dự phòng. Điều may mắn là các ngân hàng vẫn đang kinh doanh có lãi, nhưng không chắc rằng lợi nhuận sẽ khả quan trong thời gian tới nếu mặt bằng lãi suất lên cao, kèm theo vấn đề về tỉ giá và lạm phát.
Dù vậy, triển vọng lợi nhuận ngân hàng cũng có một số điểm sáng. Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08 để hỗ trợ các ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng được phép trích lập dự phòng trái phiếu VAMC lên đến 10 năm, thay vì 5 năm như trước đây, đồng nghĩa với việc thu nhỏ khoản trích lập hằng năm.
Ưu tiên xử lý nợ xấu cũng đang là vấn đề được Chính phủ lần đầu báo cáo trong phiên họp thường kỳ vừa qua. Dù số liệu không công bố nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động của VAMC đã được nhắc đến. “Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. VAMC mới xử lý được khoảng 13,4% số nợ xấu đã mua”, báo cáo của Chính phủ đưa ra
Thiên Phong