Có 1.738 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký 15,3 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: dautu.
Ngành nào thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2021?
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, vốn đăng ký của các dự án FDI tăng 9,2% so với cùng kỳ lên 31,2 tỉ USD (so với mức giảm 25,0% so với cùng kỳ trong năm 2020).
Trong đó, có 1.738 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký 15,3 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020; 985 dự án đã nhận cấp phép từ các năm trước được chấp thuận điều chỉnh vốn đầu tư (FDI tăng thêm) với tổng vốn tăng thêm là 9,0 tỉ USD (+40,6% so với cùng kỳ); 3.797 lượt góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,9 tỉ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tình hình giải ngân, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 19,7 tỉ USD trong năm 2021, giảm 1,2% so với cùng kỳ (so với mức giảm 2,0% năm 2020). Năm 2021 là một năm đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, khi mà bất chấp đại dịch COVID-19, vẫn có những dự án tỉ USD được cam kết...
Trong năm 2021, vốn đăng ký của các dự án FDI tăng 9,2% so với cùng kỳ lên 31,2 tỉ USD. Ảnh: TL. |
Ông Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của VinaCapital, chia sẻ với báo chí về khả năng phục hồi dòng vốn FDI của Việt Nam xuất phát từ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và một số tổ chức khác, lương công nhân ở Việt Nam thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc, nhưng chất lượng lao động tương đương với Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý gần chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Thứ ba, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài, mà Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp hai nước này.
Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Ảnh: dautu |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện, mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn, nên đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỉ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỉ USD và 1,27 tỉ USD.
“Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và dự báo bứt phá trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Có thể bạn quan tâm: