Ngành mía đường tìm kế nâng cao năng lực cạnh tranh trước thềm AEC
Ngày 16/7/2015, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức Hội thảo Thường niên Mía đường Quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam, chuẩn bị hội nhập ASEAN” tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tham dự sự kiện lần này có các lãnh đạo, chuyên gia từ các công ty mía đường, các chuyên gia khoa học, đại diện Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương và những hộ dân trồng mía tiêu biểu trong và ngoài nước, bao gồm cả những quốc gia có ngành mía đường phát triển như Brazil, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Sri Lanka.
Hội thảo lần này xoay quanh những kinh nghiệm sản xuất, mô hình thực tiễn và giải pháp của những cường quốc mía đường. Từ những nước sản xuất mía đường hàng đầu như Trung Quốc, Brazil cho đến những nước có ngành mía đường phát triển trong khu vực như Thái Lan và Philippines, Sri Lanka đều gặp những khó khăn nhất định trong quá trình trồng trọt, sản xuất và xuất khẩu đường. Mỗi quốc gia đều có điều kiện tự nhiên, sự đầu tư, kỹ thuật canh tác và chính sách khác nhau, nhưng tất cả các nước đều có những lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp mía đường. Đây cũng là dịp để ngành mía đường thế giới đang cần sự liên kết, hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm tạo đòn bẩy cho sự phát triển chung.
Đặc biệt, hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trong thời kì hội nhập sâu rộng ASEAN. Theo các chuyên gia đầu ngành, ngành mía đường Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng cần đầu tư mạnh hơn nữa vào các công tác tưới nước và tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý, quản lý cỏ dại, sâu bệnh hại mía và đầu tư cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch.
Một trong những lời giải quan trọng là cơ giới hóa, hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư của các nhà quản lý, doanh nghiệp ở các nước. Cụ thể, mô hình tưới nhỏ giọt Netafim được Tập đoàn Thành Thành Công và các doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường tại Việt Nam, bước đầu giúp người trồng mía ở những khu vực cách xa nguồn nước vẫn đảm bảo đủ nước tưới. Bên cạnh đó, người nông dân không có máy bón phân vùi lấp thì họ có thể bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, trong hội thảo còn giới thiệu mô hình cánh đồng áp dụng cơ giới hóa của Mitphol (Thái Lan), hay mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa phối hợp John Deere.
Đặc biệt, mô hình liên kết “4 nhà” tạo điều kiện mở rộng các vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào thị trường quốc tế của ngành mía đường Việt Nam.
Lãnh đạo TTC cho biết: “Hội thảo lần này là cơ hội để TTC và ngành đường Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến và các mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới. Từ đó chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm cho người nông dân trồng mía đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp”.
Được biết đường là mặt hàng thiết yếu được Nhà nước bảo hộ, điều hành bình ổn giá. Với diện tích trồng cả nước là khoảng 300.000 ha, hiện có 41 nhà máy đường đang hoạt động và nửa triệu hộ nông dân trồng mía với năng suất mía bình quân là 65 tấn/ha. Lượng tiêu thụ trong nước khoảng 1,5 triệu tấn/năm và Việt Nam xuất khẩu đường trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm khoảng 300.000 tấn. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường thì vấn đề đất đai manh mún, nhỏ lẻ là trở ngại lớn nhất, phần lớn là hộ trồng mía có diện tích dưới 1 ha.