Nguồn ảnh: Bangkok Post
Ngành mía đường của Việt Nam có trụ vững trước cơn “bão” ATIGA?
Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) buộc các nước mở cửa thị trường. Đường nhập từ các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với mức thuế chỉ từ 0 - 5% sẽ có tác động mạnh lên các doanh nghiệp trong nước. Dự kiến, đường từ Thái Lan sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước vẫn còn thụ động, không có kế hoạch cụ thể để thích ứng với những thay đổi thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói nhiều về các biện pháp bảo vệ ngành mía đường khi các rào cản thương mại kết thúc, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều.
Có thời gian chuẩn bị hai năm, nhưng các nhà sản xuất đường trong nước đã không giảm chi phí sản xuất hay có kế hoạch ứng phó với nguồn hàng giá rẻ bên ngoài chuẩn bị được nhập vào Việt Nam.
Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, ngành công nghiệp mía đường, một ngành đang trực tiếp và gián tiếp sử dụng 1,5 triệu lao động Việt Nam có thể không tồn tại trong cuộc cạnh tranh trên thị trường mở.
So sánh giá mía có thể thấy ngành đường Việt Nam không thể cạnh tranh được với Thái Lan. Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: Financial Times. |
Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đã dành gần bốn thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp mía đường bằng cách tung ra các khoản trợ cấp trực tiếp. Đây cũng là lý do tại sao ngành mía đường Thái Lan đủ sức cạnh tranh toàn cầu và hiện đang là mối đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam.
“Ngành công nghiệp đường của Thái Lan sản xuất đường gần gấp sáu lần so với tiêu thụ, điều đó có nghĩa là 80% sản lượng đường dành riêng cho xuất khẩu. Rất rõ ràng, đây là một mối đe dọa thực sự cho ngành công nghiệp đường Việt Nam”, ông Antoine Meriot, Giám đốc điều hành của Sugar Expertise, một công ty tư vấn của Mỹ đưa ra nhận xét.
Nhiều nhà máy đường Việt Nam đã đóng cửa vì các nhà sản xuất không thể cạnh tranh với sản phẩm đường nhập lậu từ Thái Lan, chiếm khoảng 1/5 nguồn cung thị trường trong nước.
Cuộc cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất đường Thái Lan sẽ rất khó khăn, ông Nguyễn Nguyễn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết. Mười nhà máy đường của Việt Nam đã đóng cửa từ năm 2015, với 36 nhà máy còn đang hoạt động. VSSA dự kiến, sẽ có ít hơn 30 doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất cho đến cuối năm nay.
Hy vọng từ năng lượng tái tạo
Trong lúc này năng lượng tái đang được xem là cứu cánh cho ngành đường trong nước, vốn không đủ sức cạnh tranh với các nhà sản xuất ngoại. Điều này có thể không đủ để giải quyết vấn đề khủng hoảng điện trong nước, nhưng chất thải từ sản xuất đường, được gọi là bã mía, cùng với chất thải sản xuất nông nghiệp khác có thể được chuyển thành năng lượng biomass để tạo ra điện.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của Sáng kiến tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul (GGGI), và cơ quan phát triển GIZ của Đức, đến năm 2030, chính phủ đang nhắm mục tiêu năng lượng tái tạo, bao gồm cả biomass. Với các chính sách phù hợp, các nhà máy đường trong nước có thể chiếm khoảng 40% mục tiêu sản lượng năng lượng biomass, theo VSSA.
Nhóm năng lượng tái tạo đang tăng trưởng nhưng chỉ chiếm phần nhỏ trong nhóm năng lượng |
“Năng lượng biomass là một phần nhỏ trong chiếc bánh [năng lượng] nhưng nó là một phần quan trọng, cùng với gió và mặt trời”, ông Adam Ward, đại diện của GGGI tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, sẽ cần một mức giá điện hỗ trợ (FiT) tốt hơn để tăng cường đầu tư vào năng lượng biomass và hỗ trợ ngành công nghiệp đường. Các nhà máy đường Việt Nam có tổng công suất phát điện là 352MW nhưng đầu tư bị cản trở bởi giá thấp.
Tám nhà máy đường đã được hòa lưới điện và đã bán điện ở mức 5,8 US cent/kWh, phù hợp với chính sách của chính phủ năm 2014. Nhưng đây là mức giá thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Philippines.
Theo ông Lộc, “Các khoản đầu tư sử dụng các thiết bị rẻ tiền, do đó không mang lại hiệu quả trong thời gian dài”.
Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cao đã thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời và gió tại Việt Nam |
Dựa trên phân tích tài chính của 5 nhà máy địa phương, nghiên cứu GGGI-GIZ đã kết luận rằng, cần có mức giá FiT thấp nhất là 9,35 cent để đảm bảo lợi nhuận và khuyến khích các công ty đầu tư vào các hệ thống phát điện tiên tiến hơn. Theo GGGI-GIZ, công suất năng lượng biomass có thể tăng gấp đôi, rất nhanh với các công nghệ phù hợp để xử lý nhiều loại chất thải khác nhau.
Biomass không chỉ giúp ngành công nghiệp đường mà còn giúp chính phủ có con đường rõ ràng hơn để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo vì nó đơn giản hơn năng lượng mặt trời và gió. Không những vậy nó còn có thể phân bố đều hơn trên cả nước.
Một lần nữa, một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam bổ sung một số năng lượng tái tạo ổn định vào lưới điện, ông Adam Ward nói.
Ngành mía đường đã yêu cầu chính phủ xem xét lại FiT biomass, cũng như với mức FiT năng lượng mặt trời và gió hiện hành. 10,5 GW các nhà máy năng lượng mặt trời và gió mới đã được phê duyệt vào giữa năm 2019, trong khi gần 4,5 GW năng lượng mặt trời đã được hòa lưới điện, so với mục tiêu 4 GW của 2025.
Nguồn FT