Sản lượng toàn cầu đã tăng trở lại trong quý II, nhưng mức tăng vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Chủ Nhật | 03/12/2023 22:07

Ngành logistics sẽ tìm lại điểm cân bằng trong năm 2024

Tăng trưởng thương mại hàng hóa đã chậm lại ở hầu hết các khu vực khiến hoạt động liên quan đến dịch vụ logistic như cảng biển và vận tải đều giảm.

Sau khi bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, hoạt động thương mại container trên thế giới đã đi lùi trong năm 2023 do tồn kho tăng cao cùng với sự suy thoái kinh tế. Tăng trưởng thương mại hàng hóa đã chậm lại ở hầu hết các khu vực khiến hoạt động liên quan đến các dịch vụ logistic như cảng biển và vận tải đều giảm. Sản lượng toàn cầu đã tăng trở lại trong quý II, nhưng mức tăng vẫn còn khiêm tốn. 

 

Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu 5,7% trong 10 tháng đầu năm 2023. Sự chậm lại trong xuất khẩu không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Các cường quốc thương mại châu Á khác cũng báo cáo xuất khẩu sụt giảm khi nền kinh tế toàn cầu hạ nhiệt. Xuất khẩu từ Hàn Quốc đã giảm 9,9% trong 10 tháng so với một năm trước đó, dẫn đầu bởi sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu chất bán dẫn, máy tính và các sản phẩm điện tử khác.

Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Shinhan, khối lượng container giảm 1,7% vào năm 2022, cho thấy nền kinh tế toàn cầu suy yếu và lạm phát cao đã gây thiệt hại cho nhu cầu về các mặt hàng container. Trong năm 2023, nhu cầu tiếp tục suy yếu do doanh số bán lẻ yếu và hàng tồn kho tăng ở khu vực Mỹ và châu  u chạm mức thấp trong 5 năm trở lại đây. 

Giá cước vận tải trở về mức thấp của giai đoạn 2011 - 2019 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics.
Giá cước vận tải container toàn cầu nửa cuối tháng 8/2023 đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong 2 năm, cho thấy ngành vận tải biển có xu hướng ấm dần lên. (Theo Chứng khoán Shinhan).

Sau tình trạng dư cung trong 2023, Chứng khoán Shinhan kỳ vọng cung tàu sẽ tăng trưởng chậm lại trong 2024. Nguồn cung dự kiến sẽ tăng 6,7% vào năm 2023 và 5,9% vào năm 2024.

Thị trường container đã trải qua giai đoạn thăng trầm trong ba năm qua. Giá cước đạt mức cao nhất mọi thời đại trước khi giảm 70-80% trong khi số lượng đặt hàng tàu tiếp tục tăng. Giá cước vận tải trở về mức thấp của giai đoạn 2011 - 2019 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics.

 

Số liệu từ Chứng khoán Shinhan, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, thị trường toàn cầu chứng kiến giá cước vận tải biển có diễn biến hồi phục. Giá cước vận tải container toàn cầu nửa cuối tháng 8/2023 đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong 2 năm, cho thấy ngành vận tải biển có xu hướng ấm dần lên. 

Cụ thể, giá cước Shanghai đến Los Angeles đã tăng gần 12%, mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 6/2021 và là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Nguyên nhân do mùa cao điểm của ngành vận tải biển bắt đầu vào tháng 8. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng qua cảng biển Việt Nam phát triển mạnh trong giai đoạn 2015-2022. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển đã tăng trưởng gần gấp đôi, mức tăng trưởng bình quân đạt 11,9%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại trong khoảng 2 năm gần đây.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng ước đạt 20,3 triệu TEUs, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng thông qua nhiều như Vũng Tàu giảm 11%, Hải Phòng giảm 1,7% và TP.HCM giảm 3,7%. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa phục hồi hoàn toàn trở lại. 

“Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sẽ quay trở lại khi áp lực lạm phát trên toàn cầu đang dần hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm ở mức thấp”, Chứng khoán Shinhan kỳ vọng. 

Có thể bạn quan tâm 

PMI dưới mốc 50 điểm, số lượng đơn hàng mới lần đầu tiên giảm trong 4 tháng