Ngành khai mỏ vàng Nga ăn lên làm ra nhờ rúp mất giá
Do vàng thường được định giá và giao dịch bằng USD trong khi chi phí lao động và các chi phí khác được trả bằng rúp, các công ty khai mỏ vàng của Nga do Polyus Gold International Ltd dẫn đầu đang hưởng lợi do đồng nội tệ mất giá.
Giá vàng năm nay đã tăng 7% khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại thúc đẩy nhu cầu kim loại quý này.
Nga hiện là nước sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc và các công ty khai mỏ vàng Nga hiện có chi phí thấp nhất thế giới, theo BCS Financial Group – công ty đầu tư trụ sở tại Moscow. Hơn nữa, Ngân hàng trung ương Nga đang tăng mua vàng từ các công ty khai mỏ nội địa trong một nỗ lực kiềm chế khủng hoảng kinh tế.
Kirill Chuyko, phụ trách nghiên cứu chứng khoán tại BCS Financial Group, cho biết, 2015 có thể là năm tốt nhất đối với các nhà sản xuất vàng của Nga xét theo khía cạnh lợi nhuận. Bất chấp lạm phát 2 con số, chi phí của họ có thể giảm 25% trong năm nay.
Tuy nhiên, lợi nhuận có thể giảm trong tương lai, theo Natalia Orlova, kinh tế trưởng tại Alfa Bank ở Moscow. Dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Nga có thể đã đủ, do vậy, sức mua vàng năm nay có thể không cao bằng năm 2014.
Ngân hàng trung ương Nga tăng mua vàng nhằm đối phó với đòn trừng phạt của phương Tây và Mỹ, đồng thời muốn đa dạng dự trữ ngoại hối, bên cạnh USD và euro, khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu đang ngày một xấu đi.
Chi phí giảm
Do rúp mất giá, chi phí khai thác vàng tại Nga hiện thấp hơn 15% so với mức trung bình toàn cầu khi chỉ đạt 736 USD/ounce, theo GFMS Thomson Reuters Corp.
Chi phí sản xuất trung bình của Polymetal International Plc – công ty khai mỏ kim loại quý lớn thứ 2 của Nga – năm 2014 chỉ ở 625 USD/ounce, theo báo cáo của công ty, và dự đoán giảm xuống 575 USD/ounce trong năm nay. Trong khi chi phí sản xuất của Polyus Gold, nhà cung cấp vàng hàng đầu của Nga, ở 654 USD/ounce, theo BCS Financial.
Lợi thế của Nga
Lợi thế của Nga trong khai mỏ vàng sẽ tăng lên trong năm nay khi rúp tiếp tục giảm giá. Sau khi giảm 46% so với USD trong năm 2014, rúp tiếp tục giảm 7% trong năm nay. Tính theo USD, chi phí sản xuất của các nhà sản xuất vàng Nga giảm 25%, theo ước tính của BCS.
Tháng 1/2014, giá vàng tính theo rúp đứng ở 42.000 rúp/ounce. Một năm sau, con số này tăng gấp đôi lên 80.500 rúp/ounce.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga đang tích cực tăng dự trữ vàng bù đắp sự sụt giảm dự trữ ngoại hối bằng USD và euro cũng như các đồng tiền khác.
Sản lượng tăng
Năm 2014 Ngân hàng trung ương Nga đã chi 88 tỷ USD để cứu đồng rúp. Đồng thời, dự trữ vàng của Nga tăng lên 38,8 triệu ounce vào cuối năm 2014, cao nhất trong ít nhất 2 thập kỷ, trị giá khoảng 50 tỷ USD, theo số liệu của IMF.
Cùng với sự gia tăng về nhu cầu và giá, sản lượng vàng của Nga đang tiếp tục tăng.
Sản lượng vàng của Nga năm 2014 tăng 8% lên 275-280 tấn, trị giá 12,5 tỷ USD, giúp Nga vượt qua Australia để trở thành nước cung cấp lớn thứ 2 thế giới, theo Sergey Kashuba, giám đốc Liên minh Sản xuất Vàng của Nga. Năm 2015 sản lượng có thể tăng 2-3% trong năm 2015. Hôm 2/2, Bộ Nguồn lợi Tự nhiên Nga cho biết, sản lượng vàng của Nga năm 2015 có thể đạt 300 tấn.
Nguồn DVO/Bloomberg