Dự kiến, năm 2018 số lượng gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 50% so với năm 2017. Ảnh: Quý Hòa

 
Thái Bình Thứ Năm | 01/11/2018 10:17

Ngành gỗ Việt Nam sẽ cán đích xuất khẩu 9 tỷ USD

Trong 10 tháng đầu năm 2018, ngành gỗ Việt Nam đã xuất khẩu được 7,6 tỷ USD, đạt 84% kế hoạch và sắp cán đích mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD.

Chứng chỉ xanh tỷ USD cho ngành gỗ Việt Nam

2 làn sóng đầu tư vào gỗ Việt


Mục tiêu đang dần cán đích

Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, từ nay đến cuối năm, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tiếp tục mang gam màu tươi sáng khi mới đây, Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản với EU (VPA/FLEGT). Các doanh nghiệp và người dân đã kịp thời đón đầu cơ hội này, chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp từ trước để đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu.

Tại khu rừng trồng keo của các hộ dân thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách đây hơn 1 tháng, toàn bộ khu rừng này đã được cấp chứng chỉ FSC (chứng nhận khai thác gỗ có nguồn gốc) của Hội đồng Quản trị rừng thế giới. Theo đó, từng cây gỗ từ khi trồng đến khi thu hoạch đều phải chịu sự quản lý, giám sát một cách chặt chẽ.

Để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp phục vụ cho việc xuất khẩu, Công ty Cổ phần Woodsland chủ động ký kết hợp đồng với hàng nghìn hộ dân trồng trên 28.000ha rừng. Tất cả diện tích rừng này đều đã được cấp chứng chỉ FSC. Dự kiến, năm 2018 số lượng gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 50% so với năm 2017.

Với yêu cầu ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, hiện trên toàn quốc đã có hơn 700 doanh nghiệp được cấp chứng nhận FSC. Do đó, với sự chủ động về nguyên liệu gỗ hợp pháp, lượng đơn hàng dồi dào, mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 9 tỷ USD trong năm nay của ngành gỗ Việt Nam đang dần cán đích.

Nganh go Viet Nam se can dich xuat khau 9 ty USD
 

Giải bài toán nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu. Khi các doanh nghiệp phát triển, thị trường được mở rộng, đồng thời nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn các doanh nghiệp gỗ đang phải đối mặt.

Đặc biệt, “các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á để thu mua nguyên liệu” - ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết. Trong khi đó, hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá đắt đỏ, khiến DN lâm vào cảnh “doanh thu cao nhưng lợi nhuận không nhiều”.