Vì dịch COVID-19, người tiêu dùng đã chủ động sắm sửa vật dụng, dụng cụ làm việc để duy trì công việc, cuộc sống tại nhà. Ảnh: TL.

 
Hải Bằng Thứ Bảy | 27/11/2021 11:51

Ngành gỗ "tăng tốc" chạy đua đơn hàng cuối năm

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực tăng tốc sản xuất để kịp những đơn hàng xuất khẩu cho mùa cuối năm.

Nhu cầu tăng 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 10,76 tỉ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Mỹ chiếm hơn phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 40,5%, đạt 6,5 tỉ USD. Các thị trường lớn khác cũng có mức tăng trưởng cao gồm Trung Quốc đạt 1,13 tỉ USD (tăng 23,4%), Nhật Bản hơn 1 tỉ USD (tăng 11,7%). Các thị trường EU, Hàn Quốc, Anh, Canada…tiếp tục tăng với mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc và sinh sống của người dân. Theo các doanh nghiệp, người tiêu dùng đã chủ động sắm sửa vật dụng, dụng cụ làm việc để duy trì công việc, cuộc sống tại nhà. Điều đó đã kéo theo ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, đặc biệt là đồ gỗ dùng cho nội thất văn phòng, phòng khách, phòng ăn tăng cao.

Đáng chú ý, thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh nhờ mặt bằng lãi suất thấp, nhiều gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà cũng thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ nội thất tăng nhanh.

Nhiều quốc gia cũng từng bước gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát, phong tỏa đưa hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục trở lại. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của các doanh nghiệp cũng tăng cao.

Ảnh: TL.
Các doanh nghiệp cho biết, họ đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng rất dồi dào. Ảnh: TL.

Về mặt sản xuất, để có thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ trước đó cũng đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu, nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi phương thức sản xuất và giao dịch phù hợp.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của hội có đơn hàng làm việc kéo dài đến tháng 3, thậm chí là đến tháng 6/2022. Và trong số hơn 600 hội viên của HAWA thì khoảng 95% đã sản xuất trở lại để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Tương tự, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh đã quay lại sản xuất. Các doanh nghiệp cho biết, họ đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng rất dồi dào.

Các doanh nghiệp gỗ cũng đối mặt nhiều khó khăn

Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng nhu cầu sử dụng ngành nội thất tăng do người dân ở nhà nhiều nên muốn thay đổi nội thất trong nhà cho mới mẻ, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp mừng vì có đơn hàng nhưng đối mặt với nhiều khó khăn khác. Giá nguyên vật liệu liên quan đến đồ nội thất và phụ liệu đã tăng từ nửa cuối năm 2020. Thêm vào đó, việc tăng giá và thiếu container rỗng dẫn đến công tác hậu cần trong khâu logictics của ngành không trơn tru.

Theo các doanh nghiệp, nguồn cung gỗ đầu vào khá khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu rất cao trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản đang tăng là khó khăn lớn doanh nghiệp.

Nguồn: Gỗ Việt phân tích từ số liệu Hải Quan
kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam theo tháng trong năm 2017 - 2020. Nguồn: Gỗ Việt phân tích từ số liệu Hải Quan

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, cho rằng từ nay đến hết năm, sản xuất gỗ của các doanh nghiệp cơ bản ổn định nhưng nguyên phụ liệu tiếp tục là thách thức khi giá vẫn đang tăng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao hàng đến tháng 3, 4 năm sau, nên dù chi phí tăng doanh nghiệp cũng phải chấp nhận.

Một vấn đề lớn khác mà ngành đang phải đối mặt hiện nay là nhân lực, đặc biệt là kỹ thuật viên lành nghề và nhân viên có kinh nghiệm và số lao động đang biến động lớn. Qua khảo sát, số lao động của các doanh nghiệp ngành gỗ trước và sau giãn cách xã hội đã giảm 18% và có đến 43% doanh nghiệp được hỏi gặp khó trong vấn đề nguồn lao động.

Sóng đầu tư Nhật Bản vẫn chảy mạnh vào Việt Nam