Ước tính tổng doanh thu dược phẩm 8 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

 
Mai Khanh Thứ Sáu | 01/10/2021 13:29

Ngành dược chờ bứt phá năm 2022

Các biện pháp giãn cách thắt chặt, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc ngành dược phẩm.

Gián đoạn vì giãn cách

Dựa trên ước tính từ các công ty dược niêm yết và dữ liệu đấu thầu thuốc từ Cục Quản lý Dược Việt Nam, SSI Research cập nhật báo cáo số liệu ngành dược. Theo đó, ước tính tổng doanh thu dược phẩm 8 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% và doanh thu tại bệnh viện giảm 16%.

Các biện pháp giãn cách thắt chặt, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc. Theo báo cáo SSI Research nhiều công ty ở miền Nam như Imexpharm, Dược Hậu Giang hay Dược phẩm OPC đã phải cắt giảm sản lượng 20-30% trong tháng 7 và tháng 8 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội và hoạt động “3 tại chỗ”.

Đồng thời, nhiều bệnh viện ở miền Nam được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19 cũng khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành. Mặc dù nhiều công ty dược Việt Nam đã được Chính phủ cho phép nhập khẩu vaccine hoặc thuốc điều trị COVID-19, song rất ít doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ hoạt động này do quy trình phức tạp và nguồn cung khan hiếm. 

Ảnh: TL.
Nhiều bệnh viện ở miền Nam được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19 cũng khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành. Ảnh: TL.

Đối với việc sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, hầu hết nguồn cung đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty Nhà nước, trừ trường hợp của Stellapharm (công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Stada sở hữu) được chọn là công ty tư nhân đầu tiên sản xuất Molnupiravir (thuốc điều trị COVID chính) với quy mô lớn trong nước. 

Một số ít công ty trong nước khác như Traphaco hoặc Dược liệu Trung ương 2 - Phytopharma thì được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng COVID-19 như Xuyên tâm liên (giảm ho, giảm đờm), vitamin, nước muối sát khuẩn…

2022 nhiều triển vọng?

Theo SSI Research, kỳ vọng lợi nhuận các công ty dược phẩm sẽ phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch COVID-19 trong năm 2022 với giả định mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng trong toàn dân.

Động lực tăng trưởng của ngành dược còn đến từ việc giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) hạ nhiệt nhanh chóng khi Ấn Độ - nhà cung cấp quan trọng cho Việt Nam đã hoạt động trở lại vào tháng 5 và bắt đầu hạ giá API xuất khẩu. Sau khi Ấn Độ hạ giá, Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giá API từ tháng 8. Công ty chứng khoán nhận định rằng giá API nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm trong vài tháng cuối năm nay. 

Ảnh: TL.
Nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới để đối phó với tốc độ R&D ngày càng tăng trong ngành. Ảnh: TL.

Cùng với đó, quy trình phê duyệt thuốc cũng đang diễn ra nhanh hơn kể từ nửa cuối năm nay, sau thời gian dài trì hoãn do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam. Theo đó, số lượng phê duyệt thuốc đã tăng từ 171 trường hợp trong 8 tháng đầu năm ngoái lên 335 trường hợp trong 8 tháng đầu năm nay, và thời gian phê duyệt trung bình đối với một số loại thuốc đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng vì nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới để đối phó với tốc độ R&D ngày càng tăng trong ngành, đặc biệt là đối với các công ty gần đây đã chọn không xây dựng các nhà máy sản xuất mới do đang chờ giấy phép thuốc mới như Imexpharm, Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định, Pymepharco, và Dược Hậu Giang. 

Du lịch nội địa: Không thể ‘ngủ đông’ chờ ‘băng tan’