Thứ Hai | 17/12/2012 07:20

Ngành điều Việt Nam có nguy cơ thành gia công cho thế giới

Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã cảnh báo điều này trong cuộc gặp với các nhà báo ngày 15/12 tại TPHCM.
Kinh tế khó khăn, tài chính bị thắt chặt, giá cả không ổn định, vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp đã khiến cho xuất khẩu nhân điều năm 2012 đứng trước nhiều thách thức.

Liên quan tới thông tin trên công luận gần đây rằng, Vinacas đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu điều, khi doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến với công suất 2.500 tấn điều thô/năm. Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Vinacas khẳng định đó mới chỉ là “ý tưởng” đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, vào ngày 14/11. Trên thực tế, Vinacas chưa hề có văn bản hay dự thảo nào gửi cấp trên, về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Học cảnh báo: “Hiện nay, dù xuất khẩu điều Việt Nam hiện đứng đầu thế giới, nhưng có thể thực chất chỉ là nước gia công điều, hơn là xuất khẩu điều số 1 thế giới”.

Chủ tịch Vinacas cho biết, chưa bao giờ, hơn 300 doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu điều Việt Nam lại thiếu nguyên liệu như bây giờ. Nếu như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu điều thô khoảng 20 – 30%, còn lại 70 – 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước; thì nay, các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 50% sản lượng điều thô từ Châu Phi, Campuchia, Indonesia... mới đủ sản lượng chế biến.

Nếu Việt Nam không có những hành động tích cực phát triển vùng nguyên liệu, ngăn chặn hiện tượng chặt phá điều chắc chắn trong một vài năm tới, ngành điều Việt Nam sẽ không còn vùng nguyên liệu trong nước để thu mua điều thô, mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài mới đủ cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tạo việc làm cho công nhân.

Dù không nói rõ có hay không hiện tượng “lợi ích nhóm” trong ngành xuất khẩu điều, nhưng Chủ tịch Vinacas vẫn thừa nhận, ngoài Vinacas gồm 108 doanh nghiệp/310 doanh nghiệp xuất khẩu điều là thành viên, còn có 29 doanh nghiệp lớn nhất ngành điều Việt Nam (trong số 108 doanh nghiệp thành viên Vinacas) đã cùng nhau lập ra Câu lạc bộ G20 (nay là G20 + 9), nhằm thống nhất các mức giá, kế hoạch xuất khẩu chiến lược cho cả ngành điều Việt Nam. Chính việc làm này đã gây ra tranh cãi, bất bình trong các doanh nghiệp nhỏ khác không thuộc nhóm G20 + 9. Có ý kiến cho rằng xuất hiện “lợi ích nhóm” của những doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu điều là từ đây.

Ông Học cũng công nhận một thực trạng của ngành xuất khẩu điều Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp thiếu một sự liên kết trong làm ăn với đối tác nước ngoài. Khi các doanh nghiệp trong G20 ra mức giá xuất khẩu 7,5USD/kg điều nhân. Lẽ ra phải giữ giá, thì lập tức, có không ít doanh nghiệp khác chào giá thấp hơn 7,2USD/kg; thậm chí là 6,5 USD/kg. Chính những việc làm này đã phá giá hoàn toàn mức giá 7,5USD/kg, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài ép giá.

Năm 2012, dự kiến 310 doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 220.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,45 tỷ USD, đứng số 1 thế giới. Song, ngành xuất khẩu điều Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Vùng nguyên liệu bị thu hẹp từ 391.400ha (năm 2009) chỉ còn 355.000ha (năm 2012); sản lượng từ 291.900 tấn (2009) giảm chỉ còn 264.000 tấn (2012). Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tham gia xuất khẩu điều, nhưng rất ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Chưa có doanh nghiệp nào đạt chứng nhận hợp quy quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến điều – điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, theo Thông tư số 75, ngày 2/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Vinacas: Hơn bao giờ hết, ngành điều Việt Nam phải có sự đột phá mạnh mẽ, may ra mới thoát khỏi nguy cơ trở thành quốc gia “gia công”. Muốn vậy, Chính phủ và các cấp, bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh trồng điều, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm đủ sản lượng cho các doanh nghiệp chế biến, giảm tối thiểu nhập khẩu điều thô. Đồng thời, các doanh nghiệp điều Việt Nam cũng phải chú trọng hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ hạt điều. Một kg điều nhân, nếu chế biến thành kẹo, bánh, thực phẩm sẽ nâng giá trị lên gấp 1,7 – 2 lần giá xuất khẩu thô hiện nay.

Nguồn Báo Lao động


Sự kiện