Thứ Sáu | 18/05/2012 11:10

Ngành điều thiếu 300.000 tấn nguyên liệu

Ngành chế biến, xuất khẩu điều tiềm ẩn rủi ro về giá cả, chất lượng do phải nhập khẩu điều thô.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đang trong mùa thu hoạch điều nhưng từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phải nhập khoảng 80.000 tấn điều thô từ ASEAN, Brazil, Ấn Độ...

Dự đoán khi vụ thu hoạch kết thúc khoảng tháng 6, các doanh nghiệp sẽ nhập thêm khoảng 220.000 tấn điều thô cho năm 2012.

Thiếu 50% nguyên liệu

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, điều thô trong nước nhiều năm qua chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, do vậy các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thái Học, cũng là Tổng Giám đốc công ty Donafoods Đồng Nai, cho biết Donafood nhập khẩu 15.000-20.000 tấn điều thô/năm mới đủ nguyên liệu.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc CTCP Hạt điều Gia Bảo, cho biết doanh nghiệp tự trồng hơn 20 ha điều nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, cho biết một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp muốn nhập khẩu điều thô là giá thấp. Giá điều thô châu Phi mua về chỉ khoảng 1.000-1.100 USD/tấn, trong khi giá điều thô trong nước đến 1.400-1.500 USD/tấn.

Chất lượng giảm, rủi ro cao

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, điều thô nhập khẩu có giá rẻ nhưng chất lượng kém hơn, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh chung về điều của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện nay, điều của Ấn Độ được đánh giá cao hơn điều Việt Nam xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu điều thô đứng trước nguy cơ rủi ro rất lớn khi khó nắm được nhu cầu thế giới. Năm 2011, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều lượng lớn nhưng không dùng được hết, đến 2012 mới dùng, chi phí tồn kho và lãi vay ngân hàng đều cao.

Cũng theo các doanh nghiệp, một trong các nguyên nhân khiến nguồn điều thô trong nước không đủ cung ứng là do diện tích trồng thêm không nhiều, nhiều diện tích còn bị chuyển sang trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn như cao su và tiêu. Cụ thể, 1 ha điều thu lợi khoảng 40 triệu đồng/năm, trong khi trồng 1 ha cao su thu lợi đến 80-100 triệu đồng/năm.

Tăng năng suất, chế biến sâu

Để giải quyết vấn đề lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, ông Nguyễn Thái Học cho biết Hiệp hội đã xây dựng vùng chuyên canh điều 200.000 ha tại tỉnh Bình Phước và sẽ quy hoạch trồng điều ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… Hiệp hội còn cung cấp cây giống cho Campuchia trồng để doanh nghiệp nước ta có thêm vùng nguyên liệu.

Ông Học cho rằng các doanh nghiệp cần chế biến theo chiều sâu, cố gắng chế biến ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, bánh kẹo điều trên 10%. Ngành điều sẽ hình thành bốn trung tâm chế biến điều lớn của toàn quốc trên cơ sở tổ chức hoạt động hiệu quả nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện