Ngành điều: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro
Kim ngạch xuất khẩu mà ngành điều dự kiến đạt được trong năm 2015 sẽ lên tới 2,5 tỉ USD. Đây là tin vui cho ngành điều bởi từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng đạt con số này.
Sức hấp dẫn của ngành điều đã thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị trong vài năm trở lại đây. Năm 2014, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), có 345 công ty tham gia xuất khẩu điều. Tuy nhiên, cũng theo Vinacas, phần lớn doanh nghiệp điều chỉ đạt được kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD. Vì thế, đóng góp của các công ty đầu ngành như Long Sơn, Pygemaco, Lafooco, Hoàng Sơn 1, Tanimex-LA, Thảo Nguyên... trở nên quan trọng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Lafooco đạt doanh thu gần 650 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm, Lafooco đã hoàn thành 2/3 chặng đường. Doanh thu cũng khả quan tại các công ty khác như Tanimex-LA, Thảo Nguyên.
Sức bật của ngành điều trước hết đến từ giá nhân điều tăng gần 12% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tuy chỉ là quốc gia trồng điều lớn thứ 3 của thế giới, sau Bờ Biển Ngà và Ấn Độ nhưng Việt Nam lại đang dẫn đầu trong cung cấp nhân điều, đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Sắp tới đây, theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, khi các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và các nước chính thức có hiệu lực, xuất khẩu điều có thể thay đổi theo cấp số nhân, nhờ thuế nhập khẩu đối với hạt điều Việt Nam giảm mạnh.
Tuy nhiên, niềm vui lại không trọn vẹn. Với việc sản lượng nhân điều xuất khẩu chỉ tăng 6% trong 10 tháng đầu năm nay, có thể thấy đà tăng xuất khẩu điều dựa nhiều vào giá, vốn thường biến động.
Một nỗi lo khác là doanh nghiệp còn bị động về nguồn nguyên liệu. Hiện nay, năng lực chế biến của các nhà máy điều tại Việt Nam khoảng 1,3 triệu tấn/năm, lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nguyên liệu điều trong nước chỉ đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Để phục vụ sản xuất xuất khẩu, các công ty đã phải nhập khẩu nguyên liệu điều.
Theo Vinacas, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã chi hơn 1 tỉ USD để nhập khẩu 780.000 tấn điều thô, tăng 54,5% về khối lượng và gần 86% về giá so với cùng kỳ. Các nước châu Phi, kể cả Campuchia, đang cung cấp điều thô nguyên liệu cho Việt Nam.
Việc phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào đang khiến doanh nghiệp gặp rủi ro. Chẳng hạn, năm 2012, trước diễn biến giá nhân điều liên tục tăng trong khi giá nguyên liệu điều thô giảm khoảng 30%, nhiều doanh nghiệp điều mạnh dạn nhập khẩu để tích trữ. Thế nhưng, diễn biến giá điều, cả điều thô lẫn nhân điều, sau đó lại sụt giảm. Kết quả, Lafooco bị thua lỗ hơn 152 tỉ đồng vào năm 2012 vì chính sách dự trữ hàng tồn kho sai lầm.
Rút kinh nghiệm, ban lãnh đạo Lafooco chủ trương không dự trữ nguyên liệu điều thô để sản xuất giáp vụ cho năm sau, không mở rộng quy mô thu mua nguyên liệu thô. Nhờ đó, Lafooco đã có lãi trở lại vào các năm 2013, 2014. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, do bước vào kỳ giá mới của đợt nhập khẩu nguyên liệu mới, giá vốn hàng bán của Lafooco đã tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Vì thế, dù doanh thu của Lafooco khởi sắc nhưng lợi nhuận lại suy giảm, chỉ đạt khoảng 8 tỉ đồng.
Tác động đến tính bền vững trong xuất khẩu điều còn liên quan đến cơ cấu sản phẩm. Theo Vinacas, nhân điều sơ chế vẫn chiếm 90%. Trong khi đó, những sản phẩm cho giá trị gia tăng cao hơn như điều tẩm gia vị, điều rang muối, điều mật ong, bánh kẹo điều, dầu điều... lại chiếm chưa tới 10%.
Chất lượng đầu ra cũng là một nỗi lo cho ngành điều Việt Nam. Mới đây, Mỹ đã tiến hành khảo sát 32 nhà máy chế biến điều của Việt Nam và phát hiện khá nhiều đơn vị trong số này chưa đạt yêu cầu. Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện nhiều khảo sát khác nhằm kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng các lô hàng thực phẩm được nhập khẩu. Nếu các công ty điều ở Việt Nam chưa đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn, việc thâm nhập sâu hơn vào Mỹ sẽ rất khó. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% thị phần, theo sau là châu Âu (25%), Trung Quốc (20%)...
Thách thức cho các công ty điều còn đến từ đặc điểm sử dụng vốn vay tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Hai vụ vỡ nợ lớn ở Bình Phước gần đây đều liên quan đến ngành điều. Hay trong giai đoạn khủng hoảng của ngành điều (2011-2012), khi doanh nghiệp điều điêu đứng do mua cao bán thấp, Vinacas từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại xem xét giãn nợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu điều với tổng số tiền 5.000 tỉ đồng.
Đáng mừng là một số công ty đã sớm nhìn thấy những hạn chế nói trên và tìm cách khắc phục. Thảo Nguyên, Nhật Huy, Donafoods... đã tiến vào chế biến sâu hạt điều thông qua đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại. Kết quả, năm 2013, trong 70 triệu USD xuất khẩu của Thảo Nguyên, có đến 20 triệu USD là từ mặt hàng dầu điều. Mục tiêu mà các công ty hướng là tiến đến bán hàng trực tiếp vào các siêu thị ở Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Ý, Anh, Hà Lan... Riêng Lafooco có kế hoạch lập hẳn một công ty con chuyên sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Đối với Tanimex-LA, đầu tư nâng cấp nhà máy, xây dựng hệ thống điều sạch và nghiên cứu thêm một số sản phẩm mới... là bước chuẩn bị để gia tăng sản xuất cũng như mở rộng thị trường sang Trung Đông, Nga, Đông Âu, Úc. Tanimex-LA còn đặt mục tiêu 5 năm nữa nâng tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, từ mức 70% lên mức 90%, bố trí lại sản xuất, có lộ trình cắt giảm chi phí sản xuất, hướng đến năm 2020 đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng.
Nâng tỉ lệ tiêu thụ nội địa nhân điều cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp được khuyến nghị thực hiện. Việt Nam là quốc gia đông dân nhưng chỉ 5-7% sản lượng điều chế biến được bán trong nước trong khi con số này ở Ấn Độ là 51%.
Ngọc Thủy